Xu hướng đa lợi ích

Ngành ngân hàng đang ứng dụng nhiều hơn các công nghệ tiên tiến trong cung cấp các sản phẩm dịch vụ tài chính sáng tạo như: Internet kết nối vạn vật (IoT), trí thông minh nhân tạo (AI), học máy (ML), phân tích dữ liệu nâng cao, công nghệ sổ cái phân tán (DLT), điện toán đám mây và các giao diện lập trình ứng dụng (APIs).

Nhiều ngân hàng đã đưa ra chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng cho dịch vụ ngân hàng số nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Với những dịch vụ ngân hàng điện tử, chỉ cần chiếc điện thoại thông minh hoặc máy tính có kết nối internet, người dùng đã có thể thực hiện nhiều giao dịch như mua sắm trực tuyến, chuyển tiền, gửi tiết kiệm online…Nói cách khác, mô hình ngân hàng truyền thống phụ thuộc vào mạng lưới chi nhánh sẽ dần được chuyển dịch sang mô hình tích hợp các dịch vụ ngân hàng điện tử.

Thông qua ngân hàng số, các giao dịch như chuyển tiền trong và ngoài hệ thống, chuyển tiền quốc tế, thanh toán hóa đơn, vay nợ ngân hàng, gửi tiền tiết kiệm, tham gia các sản phẩm tài chính như bảo hiểm, đầu tư, quản lý tài chính cá nhân, doanh nghiệp và các tiện ích khác… đều không cần phải đến chi nhánh ngân hàng. Từ đó, giảm thiểu đến mức tối đa những thủ tục giấy tờ liên quan và giao dịch không giấy tờ sẽ là xu thế phát triển mạnh. Đồng thời tính năng của ngân hàng số có thể thực hiện mọi lúc mọi nơi không phụ thuộc vào thời gian và không gian nên khách hàng hoàn toàn chủ động.

Việc này đồng nghĩa với việc, tiền mặt hay tiền giấy sẽ dùng ít đi, thay thế vào đó là tiền mã hóa (hay còn gọi là tiền điện tử). Tiền mã hóa hiện đang là xu thế phát triển của nhiều ngân hàng, nó có thể coi là một phát minh của nhân loại và sẽ còn tiếp tục tồn tại. Ngân hàng số kết hợp sử dụng tiền mã hóa sẽ giúp khách hàng trải nghiệm tiện ích một cách nhanh chóng và tiện lợi. Sử dụng tiền mã hóa đây chính là hướng đầu tư cho tương lai của các ngân hàng, trên quan điểm đầu tư dịch vụ hiện đại phục vụ khách hàng hiện tại. Sự phát triển của việc thanh toán không dùng tiền mặt là xu thế tất yếu của thời đại nhằm đáp ứng yêu cầu mới của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đây cũng được coi là giải pháp quan trọng nhằm bảo đảm tính liên tục, thông suốt cho hoạt động giao dịch, thúc đẩy kinh doanh giữa các chủ thể.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ. (Ảnh: internet)

Hiệp hội Ngân hàng cho biết, khảo sát về chuyển đổi số trong ngành ngân hàng tại Việt Nam cho thấy phần lớn các tổ chức tín dụng (TCTD) đều có nhận thức về chuyển đổi số. Trong đó, 42% ngân hàng đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số, 28% ngân hàng đã và đang thực hiện triển khai chiến lược chuyển đổi số tích hợp với chiến lược kinh doanh và 11% ngân hàng đã phê duyệt và đang triển khai chiến lược chuyển đổi số riêng.

Vụ Thanh toán (NHNN) cũng công bố một kết quả khảo sát tại các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam cho thấy, số hóa giúp các ngân hàng tiết kiệm đến 60-70% chi phí và một khi đã tiếp cận với số hóa, các ngân hàng có xu hướng tiếp cận ngày càng sâu hơn với dịch vụ ngân hàng số, tích hợp đa chiều trong cung ứng dịch vụ tài chính trọn gói.

Thách thức song hành

Bên cạnh những cơ hội, lợi ích khi thực hiện chuyển đổi số, theo các chuyên gia, các ngân hàng cũng gặp phải không ít khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện chuyển đổi số.

Sự phát triển và ứng dụng công nghệ số trong ngành ngân hàng đi kèm không ít thách thức đòi hỏi thay đổi về thể chế, vốn đầu tư lớn, về nguồn nhân lực ngân hàng có đầy đủ kiến thức và năng lực để nắm bắt các công nghệ mới và các kỹ năng mới trong hoạt động ngân hàng – tài chính thời kỳ số hóa, về năng lực kiểm soát, xử lý được những rủi ro mới một cách hiệu quả.

Ở Việt Nam, trong bối cảnh hiện tại, để ngân hàng số phát triển tạo ra đột phá hiệu quả cần có giải pháp đồng bộ.

Các chuyên gia khuyến nghị, để tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình chuyển đổi số ngành ngân hàng, trước hết, về phía nhà nước, cần có quan điểm mở tạo hành lang pháp lý cho đổi mới sáng tạo, cân bằng giữa quản lý an toàn với đổi mới sáng tạo (đi liền với rủi ro); Chính phủ cũng cần sớm xây dựng các khuôn khổ pháp lý thử nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng…

Cùng với đó, đề nghị Chính phủ sớm xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia để tạo điều kiện kết nối mở cho các TCTD truy xuất theo thẩm quyền được duyệt; có hành lang pháp lý đầy đủ về chia sẻ dữ liệu với bên thứ ba…

Đối với các TCTD, các chuyên gia khuyến nghị, các ngân hàng cần định hình chiến lược kinh doanh khi chuyển đổi số hóa theo kịch bản phù hợp với năng lực của ngân hàng mình.

Bên cạnh đó, các ngân hàng cần tính toán bài toán bước đi trong mở chi nhánh truyền thống hay kênh ngân hàng số phù hợp với bước đi chiến lược của ngân hàng mình. Ngoài ra, các TCTD cũng cần chú trọng thực hiện nghiêm ngặt các giải pháp về quản trị rủi ro, an ninh, bảo mật, đảm bảo dữ liệu người tiêu dùng và tăng cường đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực thích ứng với thời kỳ số hóa…

Tích cực số hóa nhưng Việt Nam cũng không nên bỏ quên khu vực ngân hàng truyền thống, nhất là khi xét về mặt doanh thu, khu vực này vẫn còn đem lại nhiều lợi nhuận cho doanh nghiệp và nhiều lợi ích cho khách hàng. Điều quan trọng là cần phải tiếp tục nâng cao chất lượng của các sản phẩm, dịch vụ.

Hà Trần