Đề cao trách nhiệm bằng hành động thiết thực
Theo số liệu thống kê, hiện nay toàn tỉnh có 57.011 người và thân nhân người có công với cách mạng thuộc đối tượng trợ cấp ưu đãi thường xuyên trên địa bàn. Xác định được công tác chăm sóc gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công là trách nhiệm tình cảm và vinh dự, thể hiện lòng biết ơn đối với những người đã có công lao trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nên nên cấp ủy, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể đã tích cực thực hiện công tác “Đền ơn đáp nghĩa” với nhiều hoạt động cụ thể.
Theo đó, ghi nhận tại Sở Lao động - Thương binh & Xã hội (Sở LĐTB&XH) tỉnh Thái Bình cho thấy: Thời gian qua, việc giải quyết chế độ chính sách ngày càng được công khai, minh bạch, kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tổ chức, cá nhân có hồ sơ, thủ tục đề nghị. Công tác tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân bảo đảm đúng quy trình, thời gian quy định.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Sở đã tiếp nhận 4.776 thủ tục, trong đó đã giải quyết 4.525 thủ tục, còn lại đang trong thời hạn giải quyết và không có thủ tục quá hạn.
Chia sẻ về những việc làm thiết thực trong thời gian qua, ông Phí Ngọc Thành, Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Thái Bình cho biết: “Sở LĐTB&XH tỉnh Thái Bình đã thực hiện chế độ điều dưỡng đối với 24.000 người có công và thân nhân người có công; thực hiện chế độ hỗ trợ phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình cho 1.500 lượt người; thực hiện chế độ ưu đãi giáo dục đào tạo cho 2.500 người là con đẻ của người có công; thực hiện chế độ thờ cúng liệt sĩ đối với 36.000 người.”
Cũng trong 6 tháng đầu năm 2024, Sở LĐTB&XH tỉnh Thái Bình tiếp tục làm tốt vai trò tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ công tác đền ơn đáp nghĩa đối với người có công ở địa phương. Cụ thể là hoạt động thăm, tặng quà Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang, thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công với cách mạng nhân các ngày lễ, Tết, ngày kỷ niệm trong năm luôn được duy trì thường xuyên và trở thành nền nếp.
Theo đó, trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 và kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ năm 2024, tỉnh đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà của Chủ tịch nước, của tỉnh, huyện và của cơ quan, tổ chức cho người và thân nhân người có công. Phối hợp với các ngành thực hiện xã hội hóa chăm sóc người và gia đình người có công với cách mạng; thăm hỏi, tặng quà, tặng nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa.
Ngoài ra, nằm trong chuỗi các hoạt động tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ năm nay, Sở đã tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh một số các hoạt động thiết thực như: Thành lập đoàn đại biểu của tỉnh đi dâng hương, viếng liệt sĩ tại các nghĩa trang liệt sĩ ở tỉnh Quảng Trị, tỉnh Điện Biên và tỉnh Hà Giang; các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn đã tổ chức thăm hỏi, tặng qua, động viên một số gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh; tổ chức Lễ cầu siêu và thắp nến tri ân vào tối ngày 26/7/2024 tại tất cả các nghĩa trang liệt sỹ trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, Sở LĐTB&XH tỉnh cũng đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố lựa chọn những người có công tiêu biểu dự hội nghị gặp mặt người có công tiêu biểu toàn quốc.
Nói về những việc làm thiết thực trên, ông Phí Ngọc Thành bày tỏ: “Sự chăm lo, quan tâm kịp thời, chu đáo góp phần nhỏ bé làm cho đối tượng người có công phần nào nguôi ngoai nỗi đau chiến tranh, giúp họ sống vui vẻ, lạc quan hơn.”
Bên cạnh công tác thực hiệc chế độ, chính sách với người và thân nhân người có công, việc quan tâm, tu bổ các công trình ghi công liệt sĩ trên địa bàn tỉnh cũng được chú ý thực hiện nhằm góp phần làm cho cảnh quan, không gian tại các công trình ghi công liệt sĩ trở nên khang trang, sạch đẹp, góp phần tri ân công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì nền độc lập tự do của dân tộc.
Về vấn đề này, bà Đặng Ngọc Hạnh, Trưởng phòng Người có công, Sở LĐTB&XH tỉnh Thái Bình cho biết: “Hiện nay, toàn tỉnh hiện có 208 công trình ghi công liệt sĩ. Các công trình cơ bản được xây dựng bằng vật liệu cứng bền vững. Ngoài sự hỗ trợ của trung ương và của tỉnh, các huyện, thành phố cũng đã trích ngân sách, huy động xã hội hóa nhiều tỷ đồng để xây mới, sửa chữa, nâng cấp hàng chục công trình ghi công liệt sĩ.”
Có thể thấy, những năm qua trên địa bàn tỉnh công tác thực hiện chính sách ưu đãi đối với người và gia đình người có công với cách mạng đã đạt được kết quả tốt. Người có công ngày càng được chăm sóc tốt hơn về vật chất và tinh thần, đời sống người có công được nâng lên rõ rệt.
Thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm lo cho người có công với cách mạng
Tuy nhiên, theo Sở LĐTB&XH tỉnh Thái Bình, việc triển khai thực hiện công tác người có công còn gặp khó khăn như: Số lượng người hưởng chế độ ưu đãi ở tỉnh lớn (hiện đứng thứ 4 toàn quốc), thủ tục hồ sơ đề nghị giải quyết chính sách nhiều, phát sinh thường xuyên, nhiều hoạt động, phong trào đền ơn đáp nghĩa cần triển khai thực hiện… Trong khi đó, cán bộ, công chức làm công tác người có công còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng.
Cũng theo Sở LĐTB&XH tỉnh Thái Bình, phần lớn hồ sơ, giấy tờ, thủ tục làm căn cứ giải quyết chính sách cho người có công được thiết lập đã từ lâu (có hồ sơ được lập từ hơn 50 năm nay), công tác lưu trữ trước đây còn nhiều hạn chế đã gây khó khăn cho quá trình giải quyết, thực hiện chính sách. Quy định chính sách ưu đãi đối với người có công qua các thời kỳ có nhiều thay đổi nên việc triển khai thực hiện ở cơ sở còn khó khăn.
Đối mặt với những khó khăn trên, giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Thái Bình cho biết, Sở luôn xác định sẽ tiếp tục thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách cho đối tượng người có công và thân nhân theo quy định. Tiếp tục thực hiện tốt các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, chăm sóc sức khỏe cho người có công và thân nhân người có công. Thực hiện tốt công tác tiếp công dân, trả lời đơn thư theo thẩm quyền, bảo đảm kịp thời, đúng quy định.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục cải cách thủ tục hành chính theo hướng công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân. Đồng thời, cũng sẽ quán triệt cán bộ công chức, viên chức về quy tắc ứng xử khi giao tiếp với người dân trong giải quyết công việc, nhất là phục vụ người có công với cách mạng. Triển khai kế hoạch tập huấn chính sách và tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện chính sách đối với lãnh đạo và đội ngũ cán bộ làm công tác người có công của các xã, phường, thị trấn. Triển khai công tác chi trả không dùng tiền mặt đối với người có công và thân nhân trên địa bàn toàn tỉnh.” ông Phí Ngọc Thành chia sẻ.
Tâm An