Văn phòng Chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá (Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế) vừa đưa ra 3 phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá.
Cụ thể, phương án thứ nhất là mức tăng thuế thuốc lá được đưa ra trong dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt. Đó là từ 1/1/2016 sẽ tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với thuốc lá từ 65% lên 70% và từ 1/1/2019, tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá từ 70% lên 75%.
Phương án 2 dựa trên mục tiêu quốc gia về giảm tỷ lệ hút thuốc trong nam giới Việt Nam. Theo đó, trong Chiến lược Quốc gia về phòng chống tác hại thuốc lá đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 229/2013/QĐ-TTg, có đặt chỉ tiêu “giảm tỷ lệ hút thuốc của nam giới từ 47,4% xuống còn 39% vào năm 2020”.
Để đạt được mục tiêu này, các chuyên gia WHO và WB khuyến cáo cần tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá ở mức như sau: Từ 1/1/2015, tăng thuế thuốc lá từ 65% lên 105% và từ 1/1/2018, tăng từ 105% lên 145%.
Phương án 3 là tăng thuế để giữ sức mua thuốc lá không tăng. Cụ thể, từ 1/1/2015 tăng thuế thuốc lá từ 65% lên 85%; từ 1/1/2018, tăng từ 85% lên 105%.
Theo bà Phan Thị Hải, Phó Chánh văn phòng Chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá, với mức thuế trên giá xuất xưởng là 65% hiện nay, nếu tính trên giá bán lẻ, mức này là khoảng 41,6%. Với mức thuế này, Việt Nam hiện là quốc gia có tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ thấp nhất trong khu vực ASEAN (chỉ cao hơn Campuchia). Trong khi đó, theo khuyến cáo của WB và WHO, để giảm tiêu dùng thuốc lá, thuế trên giá bán lẻ phải chiếm từ 65-80%.
“Do đó, trong trường hợp không thể tăng thuế thuốc lá ở mức như phương án 2 thì cũng cần tăng ở mức giữ cho sức mua thuốc lá không tăng (phương án 3)”, bà Hải cho biết.
Tăng thuế thuốc lá làm tăng buôn lậu?
Trả lời câu hỏi này, đại diện Văn phòng Chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá phân tích, thứ nhất, giá của phần lớn thuốc lá nhập lậu cao hơn giá thuốc lá hợp pháp được sản xuất trong nước. Mặt khác, sản phẩm thuốc lá buôn lậu chủ yếu vào Việt Nam là Hero và JET. Hai loại sản phẩm này chiếm tới 90% tổng thị trường thuốc lá lậu. Mức giá trung bình của Hero và JET cao hơn mức giá trung bình của các nhãn hiệu thuốc lá hợp pháp khoảng từ 30-60%.
Một vài ví dụ khác về giá một số loại thuốc lá cũng đưa ra nhận định trên, như thuốc lá 555 hợp pháp là 25.000 đồng/bao, trong khi giá thuốc lá 555 lậu là 28.000 đồng/bao. Giá thuốc Esse hợp pháp là 12.500 đồng/bao, trong khi giá lậu là 14.000 đồng/bao. Giá Marlboro hợp pháp là 22.000 đồng/bao, còn giá lậu là 25.000 đồng/bao…
Thứ hai, hương vị (hay còn gọi là “gu hút”) tác động nhiều hơn đến việc lựa chọn sử dụng thuốc lá lậu tại Việt Nam, chứ không phải giá cả. Kết quả điều tra tiêu dùng thuốc lá tại 12 tỉnh ở Việt Nam năm 2012 cho thấy, trên 70% người sử dụng thuốc lá lậu do hương vị, tò mò, bạn bè mời; chỉ có 15% người sử dụng thuốc lá lậu là do giá thấp.
Thứ ba, theo lý thuyết, sự khác biệt về thuế và giá thuốc lá giữa các nước góp phần làm gia tăng buôn lậu. Tuy nhiên, thực tế tại Việt Nam cũng như các nước cho thấy, việc buôn lậu thuốc lá còn do rất nhiều nguyên nhân khác như hiệu quả của hoạt động kiểm soát buôn lậu, khả năng kiểm soát tại các biên giới, khả năng kiểm soát sản phẩm thuốc lá buôn lậu tại mạng lưới bán lẻ thuốc của các nước…
Với những lý do trên, bà Phan Thị Hải khẳng định, sẽ không hợp lý nếu kết luận nguyên nhân chính của việc tăng buôn lậu thuốc lá là do tăng thuế thuốc lá.
Dự kiến, Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ được QH biểu quyết thông qua vào ngày 26/11 tới, trong đó đề xuất tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá từ 65% lên 70% (từ 1/1/2016) và từ 1/1/2019, tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá từ 70-75%.
Theo Chinhphu.vn