Sau gần một năm đắp chiếu, hai máy xét nghiệm sinh hóa bị hỏng tại Bệnh viện Thường Tín và Hoài Đức (Hà Nội) đã được sửa chỉ trong vòng 3 ngày.
Chiều 30/7, Sở Y tế Hà Nội đã gửi báo cáo lên Bộ Y tế, UBND TP Hà Nội về các máy xét nghiệm sinh hóa được Sở cấp cho bốn bệnh viện huyện trong gói thầu số 4.
Sở cho biết đã yêu cầu nhà cung cấp thiết bị phối hợp với sáu bệnh viện kiểm tra tình trạng hoạt động của sáu máy xét nghiệm sinh hóa Greiner GA 240. Theo báo cáo của các bệnh viện, năm máy (trong đó có hai máy của bệnh viện Thường Tín và Hoài Đức vừa được thay bóng đèn) đang hoạt động bình thường, một máy bị đứt cáp đang chờ sửa chữa.
Trong ngày 30/7, tổ công tác của Sở Y tế Hà Nội tiếp tục rà soát trang thiết bị y tế cấp cho Bệnh viện Đa khoa Thanh Oai. Kết quả, máy vẫn hoạt động tốt, đạt tốc độ trả kết quả đúng như ghi trên thiết bị và bảo trì đúng quy định.
Tổ công tác của Sở sẽ tiếp tục kiểm tra việc quản lý, sử dụng máy xét nghiệm sinh hóa của các bệnh viện Phú Xuyên, Vân Đình, Quốc Oai.
Kiểm tra máy xét nghiệm sinh hóa tại Bệnh viện Hoài Đức (Hà Nội). Ảnh: Hà An.
Liên quan việc máy xét nghiệm bị đắp chiếu, Vụ trưởng Công trình Trang thiết bị y tế (Bộ Y tế) Nguyễn Minh Tuấn cho rằng cần phải làm rõ nguyên nhân do đâu, trách nhiệm thuộc về ai, giả mạo giấy tờ, gian lận thượng mại hay có liên quan đến vấn đề xã hội hóa máy móc hay không.
Bộ Y tế có cấp phép nhập khẩu lô máy trên cho Công ty Bình Mai. Tuy nhiên, thực tế, đơn vị trúng thầu cung cấp máy cho Sở Y tế Hà Nội lại là Công ty Khoáng sản, công ty này lại cho biết nhập từ một công ty khác.
Ông Tuấn thừa nhận, quy trình nhập khẩu trang thiết bị y tế còn bất cập. Người ký cho phép nhập khẩu chỉ được nhìn trên giấy, trong khi người trực tiếp kiểm tra sản phẩm cho nhập lại là đơn vị khác.
“Hồ sơ doanh nghiệp nộp lên, chúng tôi đối chiếu theo quy định thấy đầy đủ giấy tờ thì cấp phép cho nhập khẩu - yêu cầu kiên quyết là mới 100%. Khi hàng chuyển về Việt Nam, đơn vị kiểm tra lô hàng có đúng như cấp phép của Bộ Y tế không lại là cơ quan hải quan”, Vụ trưởng Tuấn nêu bất cập.
Theo ông, để đảm bảo chất lượng trang thiết bị y tế nhập khẩu cần sự phối hợp của các đơn vị. Thời gian gần đây, hải quan phát hiện một loạt vụ nhập khẩu thiết bị y tế cũ, nhiều lô hàng trót lọt. Bộ Y tế đã kiến nghị đơn vị này đưa trang thiết bị y tế vào luồng đỏ, kiểm tra thực tế sản phẩm thay vì đưa vào luồng xanh - chỉ kiểm tra thanh toán thuế.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng thêm năm sản xuất vào làm yếu tố quyết định cấp giấy phép nhập khẩu. Các năm sản xuất được chấp nhận là từ 2013, 2014; trừ một số sản phẩm mang tính đặc thù, số lượng bán không nhiều, gồm nhiều bộ phận, sản xuất tại nhiều nơi khác nhau... "Những trường hợp sản xuất năm 2011, 2012 thì hội đồng yêu cầu giải thích cụ thể tại sao lại thời điểm cũ như thế", ông Trịnh Đức Nam, chuyên viên Vụ Công trình Trang thiết Y tế, Bộ Y tế cho biết.
Giấy phép nhập khẩu có thời hạn một năm. Lợi dụng điều này, sau khi nhập một lô hàng về bán cho đơn vị khác, doanh nghiệp có thể giải thể và lập doanh nghiệp mới. Nếu lô hàng có vấn đề cơ quan chức năng không tìm được công ty chịu trách nhiệm.
Để trám kẽ hở này, trong dự thảo nghị định quản lý trang thiết bị đang trình Chính phủ, Bộ Y tế đề xuất thay hình thức cấp giấy phép nhập như hiện nay bằng cấp số đăng ký. Người có trách nhiệm đưa sản phẩm vào thị trường Việt Nam hoặc văn phòng đại diện sản phẩm phải có trách nhiệm đăng ký chất lượng sản phẩm nhằm tăng cường cam kết trách nhiệm của người sở hữu số đăng ký đó; phải bảo hành, bảo trì đến cùng sản phẩm.
Dự thảo nghị định cũng quy định chặt chẽ hơn về hồ sơ pháp lý, yêu cầu nhân sự chuyên môn, kỹ thuật. Nếu doanh nghiệp vi phạm sẽ bị rút số đăng ký. Việt Nam hiện nhập khẩu 70-80% trang thiết bị y tế, tùy từng chủng loại.
Theo Vnexpress