Treo đầu dê, bán thịt chó

Anh N.V.L. (ngụ quận 12, TP.HCM) cho biết: “Mới đây, tôi có góp tiền cùng người bạn mua 2 lô đất nền tại huyện Hóc Môn (TP.HCM). Đây là đất của một công ty khác giao cho sàn giao dịch BĐS Đ.N. (quận 12) phân phối độc quyền. Khi mua, nhân viên tư vấn rất hay, đưa bản vẽ dự án cùng vị trí lô đất, kèm theo bản phô tô giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tin tưởng nên chúng tôi đặt cọc mua với số tiền lần đầu là 50 triệu đồng/nền. Sau đó, công ty này yêu cầu đóng tiếp số tiền 70% của hợp đồng”.

“Đóng mỗi nền thêm gần 500 triệu đồng xong, chúng tôi đến huyện Hóc Môn để xem đất nền. Tuy nhiên đến đây mới hay, đất không nằm mặt tiền như đã cam kết. Đồng thời, hạ tầng và các tiện ích (đường, công viên, hồ...) mà họ nói cũng chưa có hạng mục nào triển khai. Quá thất vọng, chúng tôi quay về và tìm đến công ty này để phản ánh. Không đồng tình với cách giải thích của họ, chúng tôi yêu cầu lấy lại tiền nhưng họ không trả. Chúng tôi đang chờ giải quyết, nếu cần thì có thể trình báo công an về hành vi làm ăn lừa đảo”, anh L. nói thêm.

Anh Minh Tuấn, một nhà đầu tư ở quận 9, cho biết, với số tiền tích lũy khoảng 3 tỷ, anh đang mua một lô đất ở khu Đông, để đón đầu các dự án lớn trong khu vực. Khi tìm thông tin trên mạng thì bắt gặp quảng cáo đất Cát Lái, quận 2, giá chỉ 15 triệu/m2. Đây là mức giá quá rẻ và ít ai ngờ tới.

“Tò mò vì thông tin rao bán, tôi gọi cho môi giới thì được giới thiệu khá lòng vòng về hạ tầng trong khu vực. Môi giới còn hứa hẹn, đầu tư một nền chỉ khoảng 1,5 tỷ thì sau 1 năm có thể lời 20% và công ty sẽ lo việc ra hàng cho khách. Điều lạ là khi hỏi thông tin chủ đầu tư và sổ đỏ dự án thì môi giới không cung cấp mà chỉ hẹn cuối tuần lên xe công ty đưa xuống dự án rồi sẽ tư vấn thêm”, anh Minh Tuấn nói.

Sốt ảo vùng ven, cò đất tung chiêu, nhiều người vướng bẫy - Hình 1

Sự phát triển nóng của phân khúc đất nền vùng ven như Long An, Đồng Nai, Bình Dương… đang là miếng mồi béo bở cho cò đất tung chiêu

Cũng theo nhà đầu tư này, qua tìm hiểu những người bạn đã đầu tư đất nền thì đây là chiêu trò của những công ty môi giới thiếu uy tín. Mức giá 15 triệu đồng/m2 đất dự án chỉ có thể là ở Đồng Nai và môi giới đang dùng thông tin cầu Cát Lái nối TP.HCM và Đồng Nai để câu khách. Hiện tại đất Đồng Nai đã bị thổi giá khá cao nhưng chiếc cầu này không biết bao giờ mới khởi công.

Mạo danh chủ đầu tư để lừa khách

Trước đó,  phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC45, Công an TP.HCM) đã thụ lý vụ việc người dân khiếu nại 3 sàn giao dịch BĐS có dấu hiệu lừa đảo, gồm: Công ty CP địa ốc K.P, công ty CP đầu tư Đ.P. và công ty CP đầu tư V.H.P.. Cả 3 doanh nghiệp này đều có chiêu thức hoạt động giống nhau, dùng đất “ảo” hoặc đất không như cam kết bán cho khách hàng. Sau khi khách hàng đóng tiền cọc, góp vốn (chủ yếu xảy ra ở tỉnh Đồng Nai) mới phát hiện các thửa đất không có hoặc không đúng như thỏa thuận. Tuy nhiên, khi đòi lại tiền thì các sàn này không trả lại.

Theo thống kê của sở Xây dựng TP.HCM, hiện có gần 500 sàn giao dịch BĐS đăng ký hoạt động. Tuy nhiên, con số này là quá ít ỏi so với thực tế. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2017 tại TP.HCM đã có khoảng hơn 6.000 doanh nghiệp BĐS được thành lập mới, trong đó chủ yếu là kinh doanh dịch vụ BĐS. Do đó, tình trạng hoạt động bát nháo với nhiều chiêu trò lừa đảo là chuyện dễ hiểu.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cho biết: “Mới đây, HoREA đã nhận được đơn cầu cứu của 300 người dân tố cáo 2 công ty môi giới địa ốc lừa đảo khách hàng. Theo đơn tố cáo, các công ty này đã đổi tên dự án, đổi tên chủ đầu tư, thậm chí còn vẽ lại quy hoạch 1/500, thêm nhiều tiện ích không có trong dự án... để nâng giá bán. Các dự án này đều tập trung ở huyện Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai)”. Theo thông tin PV có được, hai công ty này có trụ sở tại TP.HCM và cơ quan điều tra của bộ Công an cũng đang vào cuộc làm rõ sự việc.

Theo vietnamnet.vn thông tin từ Sở Xây dựng tỉnh Long An, trên địa bàn xã Long Hậu, Công ty Thái Sơn Long An đã và đang triển khai 2 dự án riêng biệt: Dự án Khu Dân cư, tái định cư Thái Sơn (46 ha); và dự án Khu thương mại, biệt thự và chung cư cao cấp (267 ha). Dự án Khu Dân cư, tái định cư Thái Sơn được dùng để bố trí tái định cư cho người dân bị thu hồi đất. Trong quá trình thực hiện, khá nhiều hộ dân đề nghị tái định cư bằng tiền, từ chối tái định cư bằng đất, nên phần nền này Thái Sơn Long An bán để bù một phần vào vốn đầu tư.

Tuy nhiên, Thái Sơn Long An cho rằng dự án Khu thương mại, biệt thự và chung cư cao cấp (267 ha) nêu trên vẫn đang trong giai đoạn triển khai bồi thường giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng kỹ thuật đối với phần đã hoàn tất bồi thường và hoàn thành nghĩa vụ thuế. Vì vậy, Thái Sơn Long An chưa triển khai bán hàng và chưa chính thức rao bán trên bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào. Đồng thời, Thái Sơn Long An cũng chưa ký kết với bất kỳ công ty, đơn vị nào để phân phối các sản phẩm của dự án. Riêng Khu Dân cư, tái định cư Thái Sơn (46 ha) đã kết thúc bán hàng từ cuối năm 2017.

Được biết, công ty này cũng đã báo cáo Sở Xây dựng, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Long An, khẳng định việc một số cá nhân, tổ chức lợi dụng thông tin dự án của Thái Sơn Long An để quảng cáo không đúng sự thật là vi phạm pháp luật, gây hoang mang cho khách hàng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của chủ đầu tư. Chính vì vậy, Thái Sơn Long An đề nghị các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Hải Đăng