Theo đánh giá cả lãnh đạo Cục ĐTCBL- Tổng cục Hải quan, trong năm 2021, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới nhìn chung không phức tạp quá trên tất cả các tuyến đường bộ, đường hàng không, bưu điện, chuyển phát nhanh, đường biển, đường sông, cảng biển, cảng sông quốc tế.
Nguyên nhân chủ yếu do tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát làm chuỗi cung ứng hàng hóa bị gián đoạn, các nước có chung đường biên giới với nước ta tăng cường công tác phòng chống dịch như kiểm tra, kiểm soát nghiêm ngặt đối với người, hàng hóa, phương tiện qua lại biên giới. Tuy nhiên, một số đối tượng lợi dụng các chính sách tạo thuận lợi thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp trong tình hình dịch bệnh để thực hiện các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Trước tình hình đó, Cục ĐTCBL đã bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban Chỉ đạo 138/CP, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan kịp thời đưa ra các giải pháp quyết liệt, linh hoạt, phù hợp với diễn biến của dịch bệnh cũng như diễn biến của kinh tế trong nước và quốc tế, cụ thể:
Tham mưu cho lãnh đạo Tổng cục quán triệt, chỉ đạo lực lượng kiểm soát hải quan toàn Ngành thực hiện bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban Chỉ đạo 138/CP, Bộ Tài chính,… kịp thời đưa ra các giải pháp quyết liệt, linh hoạt để thực hiện “mục tiêu kép” phù hợp với diễn biến của dịch bệnh cũng như diễn biến của kinh tế trong nước và quốc tế. Tăng cường thực hiện các biện pháp kiểm soát chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại các khu vực cửa khẩu đường bộ, cảng biển, cảng sông, cảng hàng không dân dụng quốc tế và các địa điểm khác thuộc địa bàn kiểm soát hải quan; làm tốt công tác thông quan, giải phóng hàng hóa; tập trung kiểm soát chặt chẽ các lĩnh vực dễ bị lợi dụng để vi phạm như: Thủ tục hải quan điện tử, hàng hóa chuyển cảng, chuyển cửa khẩu vận chuyển độc lập, tạm nhập tái xuất, gia công đầu tư nước ngoài; kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi vận chuyển trái phép vũ khí và đạn dược qua biên giới; tăng cường chống buôn lậu, vận chuyển trái phép khẩu trang y tế, vật tư y tế qua biên giới.
Chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng nhằm tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ khu vực biên giới; đẩy mạnh công tác chia sẻ thông tin, đấu tranh phát hiện, bắt giữ đối tượng buôn lậu, thúc đẩy sản xuất trong nước.
Hoàn thiện cơ bản hệ thống cơ sở pháp lý nhằm đảm bảo cho lực lượng kiểm soát hải quan thực thi hoạt động nghiệp vụ ngày càng hiệu quả như ban hành Quy trình phát hiện, ngăn chặn, xử lý vụ việc mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy của lực lượng Hải quan;
Đặc biệt, Cục ĐTCBL đổi mới phương thức kiểm soát hải quan, ứng dụng triệt để công nghệ thông tin, tăng cường đầu tư, sử dụng các trang thiết bị, kỹ thuật quản lý hiện đại trong hoạt động nghiệp vụ kiểm soát hải quan, triển khai thực hiện có hiệu quả Trung tâm chỉ huy trực tuyến tại Tổng cục Hải quan.
Trong đó, khai thác, phân tích dữ liệu quản lý vi phạm, thu thập thông tin liên quan để xác định phương thức, đối tượng trọng điểm và xây dựng hồ sơ theo dõi, giám sát trực tuyến; Thực hiện, đảm bảo thường xuyên việc theo dõi, giám sát, phân tích thông tin trên hệ thống thiết bị giám sát trực tuyến để tham mưu cho lãnh đạo Cục, lãnh đạo Tổng cục chỉ đạo Cục Hải quan các tỉnh thành phố thực hiện: Triển khai, thực hiện có hiểu quả các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan để đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; thực hiện đúng quy trình nghiệp vụ hải quan và pháp luật hải quan nhằm phòng ngừa, ngăn chặn những tiêu cực đối với các công chức hải quan khi thi hành công vụ tại các cửa khẩu.
Phát huy những kết quả đạt được, năm 2022, với quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động buôn lậu có tổ chức, Cục Điều tra chống buôn lậu dự kiến tập trung vào một số nhiệm vụ trọng yếu như:
Tham mưu giúp Tổng cục chỉ đạo toàn Ngành triển khai các chỉ đạo, kế hoạch, chương trình công tác của Chính phủ, Bộ Tài chính. Thực hiện tốt vai trò là cơ quan giúp việc của Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia thực hiện công tác thường xuyên, đột xuất của Ban chỉ đạo 138/CP, Ban 61HQ... trong lĩnh vực kiểm soát hải quan.
Triển khai có hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan, làm tốt công tác nghiệp vụ, tăng cường công tác thu thập thông tin, nắm tình hình, tuần tra, kiểm soát, xác định địa bàn, tuyến trọng điểm tại địa bàn khu vực cửa khẩu đường bộ, khu kinh tế cửa khẩu, khu vực tập kết hàng hóa gần biên giới, khu vực cảng biển, cảng sông quốc tế, cảng hàng không dân dụng quốc tế, bưu điện, chuyển phát nhanh quốc tế, đường sắt liên vận quốc tế và các địa điểm khác thuộc địa bàn hoạt động hải quan; kiểm soát chặt chẽ hàng hóa xuất nhập khẩu, hàng hóa quá cảnh, hành lý của hành khách xuất nhập.
Tổ chức đấu tranh, bắt giữ và xử lý đối với mặt hàng cấm, hàng hoá ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, hàng giả nhãn hiệu, gian lận xuất xứ Việt Nam, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các lô hàng chuyển khẩu, chuyển cảng, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh, nhất là các mặt hàng tiêu dùng, hàng tạp hóa phục vụ nhu cầu tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán, hàng có nguy cơ thẩm lậu, quay vòng vào nội địa.
Xây dựng lực lượng chuyên trách kiểm soát, chống buôn lậu đáp ứng yêu cầu về năng lực trình độ chuyên môn nghiệp vụ trong tình hình mới thông qua việc mở các lớp trong ngành và phối hợp với các Trường, Học viện thuộc ngành Công an để đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên sâu về nghiệp vụ KSHQ, điều tra tội phạm, ngoại ngữ, tin học cho lực lượng KSHQ. Đồng thời, tiếp tục đầu tư mua sắm, triển khai đưa vào sử dụng có hiệu quả các trang bị về phương tiện (như tàu thuyền, ô tô, xe máy), vũ khí, công cụ hỗ trợ, trang thiết bị kỹ thuật, chó nghiệp vụ... giúp cho lực lượng kiểm soát hải quan đủ sức mạnh thực thi nhiệm vụ và răn đe hoạt động vi phạm pháp luật Hải quan.
Nâng cao hiệu quả về số lượng, chất lượng hoạt động điều tra, khởi tố vụ án hình sự theo thẩm quyền nhất là đối với những vụ án nghiêm trọng, phức tạp, có tính chất liên tỉnh, có sự móc nối trong và ngoài nước theo đúng trình tự, thủ tục và quy định của pháp luật và các vụ thuộc thẩm quyền khởi tố điều tra của Kiểm tra sau thông quan.
Tăng cường và chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng khác như: Quản lý thị trường, Bộ đội Biên phòng, Công an, Cảnh sát biển và chính quyền địa phương để chia sẻ thông tin, đấu tranh phát hiện, bắt giữ đối tượng và hàng hoá vi phạm… Đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho quần chúng nhân dân về nguy hại của hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới để mọi công dân không tham gia, không tiếp tay cho hoạt động vi phạm pháp luật hải quan.
Tiếp tục tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin với Hải quan các nước trong lĩnh vực đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa quan biên giới, trong đó chú trọng các thông tin về các vụ việc, vi phạm của các đối tượng; thông tin về buôn lậu ma túy, hàng cấm, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; thông tin về phương thức, thủ đoạn mới để chủ động lập kế hoạch, phương án đấu tranh đạt hiệu quả.
Hà Trần