“Sự hài lòng của DN là thước đo nhiệt kế”! - Hình 1

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Một trong những mục tiêu của APEC là hỗ trợ DN nhỏ và siêu nhỏ. Ông đánh giá thế nào về nhận thức của các DN nhỏ và siêu nhỏ về mục tiêu này?

Phần lớn, các DNNVV cho đến thời điểm hiện nay vẫn còn tư duy “nhỏ và bé” nên chỉ cần hoạt động trong thị trường nội địa, điều này chưa đúng. Bởi hội nhập đang “gõ cửa” từng nhà, hàng hóa từ bên ngoài đã tràn vào đến sân nhà chúng ta.

Do đó, việc tham gia vào quá trình hội nhập đã và đang là một thách thức cho tất cả các DN, điều quan trọng nhất lúc này là DN phải biết đương đầu và vươn tới tiêu chuẩn quốc tế với chất lượng cao, giá cả phù hợp, lúc đó mới tạo ra niềm tin từ thị trường trong nước và vươn ra thị trường thế giới; nếu ngược lại sẽ “cầm chắc” thất bại.

Tuy nhiên, không ít DN Việt Nam vẫn còn thờ ơ, thậm chí không quan tâm đến hội nhập?

Đây là nhận thức của DN cùng với việc tuyên truyền chưa hiệu quả. Có rất nhiều hiệp định thương mại giữa Việt Nam với các nước đang có hiệu lực, nhưng nhiều DNNVV vẫn chưa biết tận dụng. Chỉ riêng với hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc, nếu DN tận dụng triệt để - có thể sẽ đem lại lợi thế đến 80% về thuế quan.

Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Việt Nam phải là một quốc gia khởi nghiệp, Chính phủ kiến tạo theo Nghị quyết 35. Theo ông, đây có phải là vận hội cho các DN nhỏ và siêu nhỏ Việt Nam?

Nghị quyết này - được coi như một quyết định khởi nghiệp của Việt Nam. Dự kiến, đến năm 2020 phải tăng gấp đôi số DN như hiện nay. Sau hơn 30 năm đổi mới, chúng ta đã có 500.000 DN, nhưng trong vòng 5 năm tới, phải có ít nhất 1 triệu DN.

Việc thúc đẩy này sẽ đạt 2 mục tiêu. Thứ nhất, giúp các DN minh bạch và có hiệu quả hơn. Thứ hai, giúp các DN nhỏ và siêu nhỏ kết nối với hệ thống chuỗi toàn cầu. Mong muốn các hộ kinh doanh chuyển thành DN là nâng cao chất lượng, chứ không phải chạy theo số lượng.

Chính phủ đặt ra mục tiêu, đến năm 2020 Việt Nam phải nằm trong top 4 nền kinh tế có môi trường kinh doanh thuận lợi nhất trong ASEAN. Kỳ vọng của ông?

Từ nhóm 4 nền kinh tế “khóa đuôi” ASEAN để chuyển lên nhóm đầu trong khối là một trong những mục tiêu đột phá. Việc đưa ra lộ trình, quyết tâm cao như vậy nhằm cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam.

Chính phủ quyết tâm lấy sự hài lòng của DN làm “thước đo nhiệt kế” cho mình bằng Nghị quyết 35 về hỗ trợ, phát triển DN và Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Từ 2 nghị quyết này cho thấy, Chính phủ muốn khẳng định quyết tâm nói không với… hô khẩu hiệu!

Chính phủ cũng đánh giá cao và nhìn nhận kết quả PCI như một thước đo khách quan về hoạt động của chính quyền địa phương, đồng thời cũng chấp nhận các báo cáo của một số tổ chức quốc tế khác để “cân đong đo đếm” các hoạt động của cơ quan công quyền.

Thời gian gần đây, sự đối thoại giữa Chính quyền và DN khá dồn dập, điều này đã tạo hứng khởi cho người dân, tạo niềm tin cho DN?

Chính phủ lấy chuẩn quốc tế làm thước đo và yêu cầu các cơ quan nhà nước phải vươn tới. Ví dụ, nhiều địa phương đã nói không với “họp hành”, dành hẳn ngày làm việc đầu tuần tiếp xúc, xử lý những hồ sơ còn vướng mắc với người dân và DN. Nhưng để chủ trương này chuyển biến là một thói quen và Chính phủ phải nghe được tiếng nói của người dân và DN, thì các mũi đột phá hướng tới khởi nghiệp mới thành công.

Hiện tại, đã có rất nhiều cuộc đối thoại giữa Chính phủ với các DN trong và ngoài nước, giữa Thủ tướng Chính phủ với DN, các bộ, ngành trực tiếp đối thoại và giải đáp cho DN những vấn đề khúc mắc. Ở các địa phương, việc đối thoại còn sôi động hơn…

Trân trọng cảm ơn ông!

 Việt Anh (Thực hiện)