THCL “Nhũng nhiễu, tiêu cực ở một số nơi còn tương đối phổ biến. Hiện tượng này phải làm cương quyết, không thể “lùi” mà phải đấu tranh quyết liệt. Những người làm chính sách phải nhìn thẳng vào vấn đề này. Nhìn thẳng chưa chắc đã sửa được nhưng né tránh thì sẽ không bao giờ”.

Triển khai Nghị quyết 19/2017: Nhìn thẳng, loại bỏ nhũng nhiễu - Hình 1

Chính phủ lắng nghe nhưng không để đấy

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thẳng thắn đánh giá như vậy tại Hội nghị triển khai Nghị quyết 19/2017 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia diễn ra gần đây.

Tại làm sao vấn đề này nóng và trở nên quan trọng như vậy? Như đã biết, Việt Nam đã vạch ra con đường thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình từ nay đến năm 2025 thì phải tăng trưởng bình quân GDP trên 7%.

Tuy nhiên, đi cùng quyết tâm này thì dân số khi đó cũng sẽ tăng theo, tức là GDP thực tế phải tăng trên 8%, cùng với yêu cầu phải bền vũng, bảo vệ được môi trường, lo lắng cho người nghèo, vùng sâu, vùng xa… tổng thể là phát triển bao trùm.

“Mấy năm nay chúng ta phải “vật lộn” để tăng trưởng đạt trên 6%, vậy thì 15 năm tiếp theo phải tăng từ 8 -9%/năm. Điều này có viển vông không? Câu hỏi này đặt ra cho tất cả chứ không chỉ riêng Chính phủ. Nhưng có một điều chắc chắn, nếu không cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển vượt lên thì sẽ vô cùng khó khăn.

Sự cải thiện về môi trường kinh doanh theo ngân hàng thế giới đánh giá Việt Nam vẫn đang xếp thứ 121, cải cách thuế 167. Trong thời gian ngắn nhất phải giảm xuống còn 50”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Phó thủ tướng, phản ánh từ các DN thì mới chỉ là những bức xúc cụ thể, nhưng để thực hiện tốt NQ19 thì phải giải quyết được nhiều yếu tố các DN chưa quan tâm. Việc này phải giao trực tiếp đến các bộ ngành.

Một số Hiệp hội và DN đã nói được ra những vướng mắc ở thông tư, công văn nào. Có cái không cần thông tư, thậm chí chỉ cần một công văn của bộ do một “ông Vụ phó” ký cũng làm khổ DN. Có cái mắc ở Nghị định, ở Luật, nhưng có những thứ lại mắc ở người thực thi…Với những vướng mắc này Phó thủ tường đề nghị DN hãy chỉ rõ giúp cho Chính phủ.

“Tinh thần của Chính phủ là tiếp cận theo đúng thế giới, miễn tranh luận về phương pháp tiếp cận. Thứ 2, phải cụ thể. Thứ 3, giải quyết ngay những vấn đề trước mắt nhưng cũng phải tính đến lâu dài. Thứ 4, phải đo, đếm được và có giám sát. Chính phủ thực sự muốn nghe và nghe xong sẽ không để đấy”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Xóa bỏ tư tưởng cục bộ, cát cứ

Suy cho cùng, một việc làm không tốt hay có một việc sửa rất nhiều lần mà không cải biến thì có nhiều cách lý giải. Có 3 vấn đề. Một là do không nhận ra nên không biết. Thứ 2, thói quen vẫn chưa thay đổi được. Có nhiều thứ từ rất nhiều năm nay làm mà vẫn tưởng là tốt. Ví dụ, về chữ ký điện tử đang được khuyến khích đăng ký qua mạng, nhưng thực tế DN đăng ký còn chậm hơn là đến nộp trực tiếp. Nếu có qua mạng thì vẫn phải lưu trữ hồ sơ giấy. Thứ 3, lợi ích nhóm. Nhưng ở đây không chỉ có “nhóm” mà là tham nhũng, lợi ích cá nhân.

“Cơ quan nào cũng muốn khi ban hành chính sách thì mình phải có quyền, và biện minh rằng nếu không làm như thế sẽ không quản lý được xã hội. Tôi cho rằng, ngay những thành viên trong bộ của mình cũng phải biết từ bỏ cục bộ của chính bộ, cơ quan mình đi. Có nhiều cuộc họp khi bàn về cái chung thì ủng hộ nhiệt tình. Nhưng riêng phần thuộc cơ quan mình thì không ủng hộ”, Phó thủ tướng thẳng thắn.

Ông Lê Tiến Trường, TGĐ Vinatex bày tỏ, nếu DN được ví như một chiếc ô tô thì rất cần có một con đường tốt và muốn chạy nhanh, an toàn cũng cần ít các điểm bắt dừng lại “dọc đường”. Những điểm bắt dừng lại đấy là quản lý và vận hành hệ thống các chính sách của nhà nước.

Về góc độ DN, ông Trường mong muốn con đường phải chạy được với tốc độ cao, quản lý tự động nhưng vẫn đảm bảo an toàn, tuân thủ pháp luật và ít dừng lại để khai báo, trình bày và thậm chí phải có chi phí mới đi qua được.

Ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam bức xúc cho hay, khi thấy nhiều văn bản đưa ra sai, làm khó DN, ông đã rất kiên nhẫn ngồi cạnh chuyên viên để cùng sửa lại nhưng không chịu lắng nghe, thậm chí có những văn bản chưa chắc đã đọc. Ông đưa ra cảm nhận, người sau hình như muốn thay đổi tất cả những công việc của người tiền nhiệm nhưng không chứng minh được tính logic và khoa học.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, công chức có liên quan nói riêng và bộ máy quản lý nhà nước nhìn chung vẫn còn thụ động, trì trệ, rất ít đổi mới sáng tạo, ít quan tâm các khó khăn đối với DN do chính các quy định văn bản cụ thể tạo ra. Luôn cho rằng phần đúng thuộc về cơ quan quản lý nhà nước. Không chủ động đề xuất, bổ sung sửa đổi các quy định có liên quan để tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi và giảm chi phí cho DN.

“Những thay đổi vừa qua chủ yếu do sức ép từ phía các DN, từ sự chỉ đạo của Chính phủ và áp lực từ dư luận xã hội”, ông Cung nói.

Thái Bình