Với cốt truyện mới lạ, hấp dẫn, cuốn tiểu thuyết “Người không mang họ” xuất bản năm 1983 của nhà văn Xuân Đức, ngay lập tức tạo nên cơn sốt trong độc giả với 5 lần tái bản, 10 vạn bản in - một kỷ lục chưa từng có ở thời điểm đó. Tuy nhiên, “Người không mang họ” ra mắt, cũng là nguyên nhân khiến nhiều câu chuyện li kỳ về tướng cướp khét tiếng thành Vinh một thời có tên Trương Hiền (tự Toọng) được đẩy lên đỉnh điểm.
Và sự nhầm lẫn vô tình đã gây nên nỗi oan khuất ngoài ý muốn cho một gia đình ở Vĩnh Linh (Quảng Trị) hàng chục năm qua.
Vậy sự thật về tướng cướp “Người không mang họ” ra sao? Hành tung của đại ca làm mưa, làm gió một thời như thế nào? Vì sao sự nhầm lẫn giữa một hình tượng trong tác phẩm văn học với con người thực ngoài đời lại nảy sinh nhiều hệ lụy đau lòng?
Phóng viên Thương hiệu & Công luận đã lên đường thu thập tư liệu, hồ sơ, tìm gặp những nhân chứng sống từng tiếp xúc, truy bắt, lấy lời khai của đối tượng này…
Qua đây chân dung Trương Hiền (Toọng) - tướng cướp khét tiếng thành Vinh được xây dựng lại một cách hoàn chỉnh, chính xác. Tuy không phải như mọi hư cấu đồn thổi đầy “bí ẩn” nhưng Toọng, theo tài liệu điều tra, nhân chứng vẫn đủ làm chúng ta phải kinh ngạc về sức khỏe, sự chịu đựng và khả năng võ thuật, tẩu thoát vòng vây truy bắt, trại giam.
Từ đó, thấy được những gian nan, vất vả cũng như thành tích xuất sắc của cán bộ, chiến sỹ Công an thành Vinh (Nghệ An) trong công tác trấn áp những đối tượng - tội phạm nguy hiểm những năm đầu đất nước thống nhất. Đặc biệt, sự thật này khi đi tới cùng lại dẫn đến giải oan cho những cảnh ngộ không kém phần éo le trong suốt 30 năm qua…
Kỳ I: Tiểu thuyết “Người không mang họ” và bộ phim cùng tên
Bằng nguồn cảm hứng từ một người bạn thân thuở ấu thơ có tên là Hồ Lạng ở huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) bỏ nhà đi biệt tích, cùng với khả năng xây dựng nguyên mẫu nhân vật chính từ thực tế đời sống, năm 1983, nhà văn Xuân Đức (nguyên Giám đốc Sở VHTT tỉnh Quảng Trị) đã cho ra đời tiểu thuyết hình sự “Người không mang họ”.
Tác giả (bìa trái) gặp nhân chứng sống kể về cuộc đời tướng cướp
Xin được tóm tắt tiểu thuyết “Người không mang họ” như sau:
Hoàng Lạng được sinh ra từ mối tình vụng trộm giữa vợ một đại địa chủ ở Vĩnh Linh (Quảng Trị) với chàng trai là người hầu trong nhà nhưng hiền lành, thông minh và rất lanh lợi. Khi cha mẹ người thân chết hết, mặc cảm với thân phận là “con cường hào ác bá”, Hoàng Lạng vượt giới tuyến sông Bến Hải, vào miền Nam đi tìm cuộc sống mới. Sau nhiều năm lang bạt giang hồ, làm đủ nghề kiếm sống, Hoàng Lạng gia nhập gánh xiếc Nam Sơn Mãi Võ, chuyên đi biểu diễn võ thuật, bán thuốc chữa bệnh mưu sinh. Đoàn xiếc này, do một vị võ sư lừng danh gốc Tây Sơn - Bình Định làm Băng chủ. Thấy Hoàng Lạng nhanh nhẹn, hoạt bát lại đam mê võ thuật, vị võ sư này nhận làm đệ tử và truyền dạy võ nghệ rất tận tình. Những thế võ uyên thâm từ thầy được Hoàng Lạng tiếp thu trọn vẹn (trừ một thế võ độc chiêu, còn lại thầy không thể dạy hết để phòng thân).
Oái oăm thay, sau này Hoàng Lạng lại vướng vào cạm bẫy ái tình với vợ Băng chủ Nam Sơn nên Hoàng Lạng bị sư phụ hạ đo ván bằng một thế võ bí hiểm còn lại trong một cuộc đấu quyết liệt tại kinh đô Huế. Sau khi bị đánh bật sới, Hoàng Lạng lang thang ra đất Đông Hà (Quảng Trị) kiếm sống. Điểm dừng chân cuối cùng trên bước đường lưu lạc là thành Vinh (Nghệ Tĩnh, nay là Nghệ An). Từ một thanh niên hiền lành, lương thiện, Hoàng Lạng rơi vào vòng xoáy tội lỗi, thu phục đàn em trong giới giang hồ, lập thành băng cướp khét tiếng do y cầm đầu.
Sau 4 năm gieo rắc nỗi kinh hoàng tại thành phố đỏ, Hoàng Lạng và đồng bọn sa lưới pháp luật, bị Công an thành Vinh bắt, TAND tỉnh Nghệ Tĩnh kết án tử hình.
Bảy năm sau (1990), tiểu thuyết được chuyển thể kịch bản thành bộ phim cùng tên “Người không mang họ” và được công chiếu trên kênh truyền hình quốc gia. Sự phối hợp ăn ý giữa đạo diễn với nhà văn, nội dung vừa mang tính hình sự ly kỳ, vừa éo le, lãng mạn, dàn diễn viên trẻ đẹp, năng động; những pha võ thuật công phu, tuyệt kỹ; đặc biệt sự thủ vai xuất sắc của nhân vật chính Trương Sỏi đẹp trai, ngang tàng (Hoàng Lạng được đổi tên thành Trương Sỏi) của nam diễn viên điện ảnh Lý Hùng (lúc đó mới 17 tuổi) đã khiến “Người không mang họ” thành công hơn cả mong đợi.
Tuy nhiên, chính sự thành công và ảnh hưởng rộng rãi đến công chúng - lại một lần nữa đẩy sự nhầm lẫn “chết người” đi xa hơn… Khán giả mặc nhiên “gắn” một Trương Sỏi trong phim ảnh với tướng cướp Toọng ngoài đời thực, cho dù Toọng chỉ là một phần nguyên mẫu được “chắp vá” trong cuốn tiểu thuyết. Không những thế, những câu chuyện truyền miệng, những tin đồn mang tính hư thực về cuộc đời Toọng mỗi ngày một dày thêm và gây nên nhiều sự nhầm lẫn nghiêm trọng…
Kỳ II: Trương Hiền là ai?
Nguyên Dũng