Dự thảo vẫn chung chung

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, Đoàn TP. HCM bày tỏ, dự thảo Luật Giá sửa đổi "vẫn chung chung, quay đi quay lại vẫn là lựa chọn một số mặt hàng thiết yếu, cho kê khai giá, Nhà nước xem xét giá kê khai có phù hợp hay không, doanh nghiệp khi áp dụng phải niêm yết giá."

Đại biểu Phạm Khánh Phong lan phát biểu thảo luận tổ. Ảnh Quochoi.vn
Đại biểu Phạm Khánh Phong lan phát biểu thảo luận tổ. Ảnh Quochoi.vn.

Vậy, "căn cứ nào để duyệt giá, xác định giá cao hay thấp và căn cứ vào đâu để xử lý", Đại biểu Phong Lan cho rằng nên xác định biên độ lợi nhuận thì rõ ràng hơn, đi ra ngoài biên độ đó thì bị xử lý.

“Trước đây muốn mua thuốc không phải dễ dàng nhưng tất cả đều thống nhất với nhau từ bán sỉ ra tới bán lẻ, tỷ lệ lời tối đa là 20%. Bây giờ chúng ta không có quy định gì cả, trong khi đó mới là cốt lõi. Nếu chúng ta đã có ý định để nhà nước can thiệp vào để quản lý thì phải quy định con số này. Tránh việc như bây giờ cứ mua, cứ đấu thầu, rồi một ngày cơ quan điều tra vào cuộc hỏi tại sao mua đắt vậy, cao gấp 2,3 lần giá nhập hải quan... Nếu không có quy định thì cao gấp 10 lần cũng không thể nói là đắt được”, bà Lan nói.

Quỹ Bình ổn giá

Liên quan đến quỹ bình ổn giá, nhiều Đại biểu Quốc hội đã có những thảo luận rất chi tiết.

Ảnh minh họa internet
Ảnh minh họa internet.

Đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh, Đoàn Cần Thơ thống nhất sửa đổi Luật Giá vì có những bất cập, nhưng để đảm bảo sự thống nhất và đồng bộ, đảm bảo tuân thủ quy luật thị trường, thì trong các quy định cần phải hạn chế các biện pháp hành chính.

Đại biểu Ngọc Ánh phân tích: Bình ổn giá, định giá là sự can thiệp bằng biện pháp hành chính. Thay biện pháp này bằng chính sách an sinh xã hội, tài chính vi mô, đảm bảo giá cả theo cơ chế thị trường, làm sao luật giá đảm bảo định hướng và quan điểm, nhà nước quản lý và điều tiết giá theo cơ chế thị trường.

Bà Ánh cũng kiến nghị không nên giao định giá và bình ổn giá cho một ngành chủ thể nào mà phải là cơ quan trực tiếp tham mưu cho Chính phủ để định giá và bình ổn giá, đảm bảo kỷ cương, trật tự, không để mỗi bộ ngành có thẩm quyền định giá, bình ổn giá. Đề nghị phải quy định cụ thể, không chung chung như ở trong dự thảo Luật Giá sửa đổi vừa được trình bày tại Quốc hội.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Bé, Đoàn Kiên Giang, thống nhất việc cần phải có đánh giá toàn diện về việc thực hiện để nghiên cứu đưa vào luật. Bà Kim Bé đặt vấn đến," việc thành lập quỹ này là xuyên suốt hay chỉ trong thời điểm cần thiết?"

Bà Kim Bé phân tích: Với quỹ bình ổn xăng dầu nên tiếp tục duy trì, nhưng trong quy định sử dụng quỹ này cần phải làm rõ công khai minh bạch cơ chế giám sát chặt chẽ, đảm bảo điều hòa sử dụng.

Đại biểu Nguyễn Công Long, Đoàn Đồng Nai cho rằng, nếu điều chỉnh chính sách về thuế thì phải xem lại việc duy trì, cách vận hành quỹ bình ổn giá xăng dầu. Trong bối cảnh hiện tại việc duy trì quỹ là cần thiết nhưng trong tương lai gần cần xem xét.

“Thời gian qua khi kiểm chứng tất cả vấn đề xăng dầu phát sinh ra do ảnh hưởng của các tác động quốc tế, thị trường và trong nước cho thấy dù tồn tại quỹ này nhưng tác động không lớn lắm, không đến mức cần xem xét, duy trì bằng mọi giá”, ông Long nói.

Bổ sung mặt hàng vào diện Nhà nước định giá

Ảnh minh họa Báo Thanh niên
Ảnh minh họa Báo Thanh niên.

Đề cập việc bổ sung mặt hàng sách giáo khoa vào diện Nhà nước định giá, Đại biểu Trần Văn Lâm, Đoàn Bắc Giang cho biết: Có ý kiến khác nhau, trong đó có việc sách giáo khoa có hai cấu phần: Độc quyền chính là bản quyền tác giả, còn phần in ấn, phát hành thì không độc quyền.

“Chương trình sách giáo khoa là độc quyền Nhà nước, ông nào viết thêm hoa, thêm râu vào rồi bảo của các ông ấy, như thế là quản lý chưa rõ nên giá cao gấp nhiều lần”, ông Lâm đề nghị cần thảo luận thật kỹ, vì nó liên quan trực tiếp đến nền giáo dục của đất nước.

Liên quan Quỹ bình ổn giá xăng dầu, vị đại biểu đoàn Bắc Giang đánh giá đây vẫn là công cụ có hiệu quả, cần quy trì, tuy nhiên lúc biến động giá quá lớn thì phải dùng công cụ mạnh hơn là thuế và phí.

Vân Quỳnh (t/h)