Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Sữa học đường “mòn mỏi” đợi quy chuẩn quốc gia

Chương trình sữa học đường triển khai được kỳ vọng sẽ cải thiện tầm vóc người Việt. Tuy nhiên, đến nay sữa học đường vẫn chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Thực tế, tại nhiều trường, học sinh đang dùng sữa kém chất lượng, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, phụ huynh hoang mang, bức xúc, người quản lý “vô can”.

THCL-Chương trình sữa học đường triển khai được kỳ vọng sẽ cải thiện tầm vóc người Việt. Tuy nhiên, đến nay sữa học đường vẫn chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Thực tế, tại nhiều trường, học sinh đang dùng sữa kém chất lượng, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, phụ huynh hoang mang, bức xúc, người quản lý “vô can”.

Nhập nhèm sữa với thực phẩm bổ sung

Năm 2011, Chính phủ đã có Quyết định 641/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030 (Đề án 641). Tháng 7/2016, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký Quyết định 1340/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Sữa học đường (SHĐ) cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020.

Mục tiêu của chương trình hướng tới là đến năm 2020 giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em mẫu giáo, tiểu học trung bình 0,6%/năm; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em mẫu giáo, tiểu học trung bình 0,7%/năm; tăng chiều cao trung bình của trẻ nhỏ tuổi nhập học (6 tuổi) lên 1,5 - 2 cm so với năm 2010.

Tháng 9/2016, Bộ Y tế đã công bố Quyết định số 5450/QĐ-BYT về Quy định tạm thời đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình SHĐ. Theo đó, các sản phẩm sữa tươi đã được quy định trong Quy chuẩn quốc gia (QCVN 5-1:2010/BYT) được sử dụng trong chương trình SHĐ.

Tuy nhiên, đó cũng chỉ là quy định tạm thời, đến nay, sau nhiều năm mòn mỏi ngóng trông, dòng SHĐ vẫn chưa có được quy chuẩn kỹ thuật quốc gia chính thức.

Theo ông Nguyễn Quang Thảo, Trưởng phòng An toàn thực phẩm và Công nghệ sinh học (Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công thương), trường học hiện nay tràn lan các sản phẩm sữa từ bên ngoài đưa vào. Nhà trường, phụ huynh học sinh không phân biệt được đâu là sữa phù hợp với độ tuổi của con em.

Điển hình, năm 2016, Phòng GD&ĐT huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) đã ra một công văn gây bức xúc phụ huynh và lãnh đạo các trường mầm non trên địa bàn, khi yêu cầu mỗi trường mầm non hợp đồng với các công ty cung cấp sữa đã “ký cam kết”. Sau khi giải thích nhầm lẫn văn bản từ chữ “gửi cam kết” thành “ký cam kết”, bà Hồ Quỳnh Trang, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Hòa Vang giãi bày: Thời gian qua, Phòng phải yêu cầu các công ty sữa “gửi cam kết” đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, vì Phòng GD&ĐT không có chức năng kiểm soát chất lượng sữa.

Huyện Hòa Vang không phải là trường hợp cá biệt, tại rất nhiều địa phương, tình trạng phụ huynh vẫn phải đặt lòng tin vào “cam kết” với những tiêu chuẩn chưa được kiểm định về sữa.

Tại trường Mầm non Sơn Vi 1 và Sơn Vi 2 (huyện Lâm Thao, Phú Thọ), từ những ngày tháng 12/2016 đến nay, người dân, phụ huynh bức xúc việc nhà trường sử dụng “sữa” uống cho các bé là loại kém chất lượng. Nhiều bé khi uống sữa xong có dấu hiệu buồn nôn, đau bụng…

Nói về việc này, bà Cao Thị Xuân Mai, Hiệu trưởng trường Mầm non Sơn Vi 1, cho biết: Năm 2016, nhân viên công ty TNHHSX-TM Vân An (trụ sở số 52D Trần Thủ Độ, Phường Phú Thạnh, Quận Tân phú, TP Hồ Chí Minh) đã đến nhà trường chào sản phẩm: Thực phẩm bổ sung sản phẩm dinh dưỡng Gold A+ Hiệu A School. Từ ngày 1/8/2016, nhà trường đã ký hợp đồng mua sản phẩm của công ty để học sinh sử dụng. Thực tế, trong giao dịch này, công ty Vân An sản xuất, vận chuyển sản phẩm đến bán và nhà trường nhận mua sử dụng sản phẩm. Việc kiểm soát chất lượng, sản phẩm được sản xuất, bảo quản như thế nào nhà trường không nắm trực tiếp.

Dưới sức ép của phụ huynh học sinh, phía nhà trường đã cùng phụ huynh học sinh trực tiếp gửi mẫu sản phẩm dinh dưỡng Gold A+ hiệu A School về Viện kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia để kiểm nghiệm. Phiếu kết quả kiểm nghiệm cho thấy đã xuất hiện một vài các chỉ tiêu khác so với kết quả thử nghiệm của công ty TNHHSX-TM Vân An công bố.

Khi xảy ra sự việc, toàn bộ lượng sản phẩm mua của công ty chưa sử dụng đến, nhà trường đã lập tức dừng sử dụng; lập biên bản, niêm phong; báo cáo sự việc cơ quan chức năng; tiến hành lấy mẫu gửi đi kiểm nghiệm. Hiện tại đang đợi kết quả, kết luận của cơ quan chức năng.

Đến nay, sau gần 3 tháng phát hiện sản phẩm có vấn đề, dù sử dụng Thực phẩm bổ sung sản phẩm dinh dưỡng Gold A+ hiệu A School nhưng trường Mầm non Sơn Vi 1 vẫn “quen miệng” thông tin học sinh được uống sữa; việc làm rõ chất lượng sản phẩm của cơ quan chức năng, phía nhà sản xuất vẫn rất chậm chạp.

Thậm chí, đến cuộc họp ngày 14/3 tổ chức tại trường Mầm non Sơn Vi 1, đại diện Cục An toàn thực phẩm, lãnh đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Phú Thọ, đại diện Sở GD&ĐT Phú Thọ, lãnh đạo UBND huyện Lâm Thao… mới được nghe báo cáo nội tình sự việc. Từ đó, các bên mới thu thập hồ sơ sản phẩm từ nhà trường, đại diện công ty để tiến hành công tác xử lý tiếp theo.

Cần thiết ban hành quy chuẩn SHĐ

Ông Cao Xuân Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Thao cho rằng: Trường mầm non Sơn Vi sử dụng sữa cho các cháu uống tưởng rất đơn giản, phạm vi nhỏ nhưng khi có thông tin chất lượng sữa nhà trường sử dụng có vấn đề về chất lượng, ngay lập tức sự việc trở nên nghiêm trọng, sức lan tỏa lớn bởi liên quan đến sức khỏe của “mầm non” đất nước. Đây là một hồi chuông cảnh báo cho cơ quan chức năng, nhà quản lý giáo dục trên địa bàn về lựa chọn sản phẩm sữa uống cho học sinh. Bên cạnh đó, cho thấy công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng sữa của cơ quan chức năng với các đơn vị sản xuất, kinh doanh sữa còn bị bỏ ngỏ; khi xảy ra sự cố về chất lượng sữa các bên liên quan hờ hững, thiếu trách nhiệm trong xử lý.

Nói về nguyên nhân SHĐ kém chất lượng vẫn được sử dụng tại các nhà trường, ông Thảo khẳng định: “Đó là vì SHĐ chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Để chương trình SHĐ triển khai hiệu quả, vấn đề cấp thiết đặt ra là làm thế nào để có nguồn sữa đảm bảo chất lượng vào các trường học!”

Theo bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH True Milk, hiện nay quy chuẩn SHĐ vẫn chưa được ban hành chính thức, dẫn tới sữa đưa vào trường học mạnh ai nấy làm và không đảm bảo các tiêu chí khoa học. Vì vậy, cơ quan có thẩm quyền cần sớm ban hành quy chuẩn SHĐ. Doanh nghiệp sữa nào đưa sữa vào trường học cũng được, nhưng phải đảm bảo các quy chuẩn để trẻ em thực sự được thụ hưởng dinh dưỡng tốt nhất cho lứa tuổi.

Về tiêu chuẩn sữa, GS.TS Lê Thị Hợp, nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết: Hiện thị trường sữa khá đa dạng. Đối với lứa tuổi học đường đang trong giai đoạn hấp thụ tốt để thay đổi tầm vóc và trí lực nhưng cũng là giai đoạn rất dễ bị tổn thương về dinh dưỡng, nên cần phải có nguồn sữa chuẩn, đảm bảo. Rất nhiều quốc gia trên thế giới (Mỹ, Nhật, Thái Lan, Trung Quốc…) chỉ chọn sản phẩm sữa tươi nguyên chất hoặc sữa tươi bổ sung các vi chất dinh dưỡng gồm: Vitamin A, D, canxi, axit folic... để đưa vào trường học. Vì vậy, Bộ Y tế sớm ban hành quy định về tiêu chuẩn SHĐ theo các tiêu chí trên.

Tại Việt Nam, hiện mới chỉ có Tập đoàn TH True Milk phối hợp với Viện Dinh dưỡng quốc gia, chuyên gia dinh dưỡng uy tín trên thế giới thực hiện nghiên cứu lâm sàng SHĐ TH School Milk với công thức SHĐ phù hợp khả năng hấp thu của trẻ em Việt Nam.

Cụ thể, SHĐ TH School Milk áp dụng công thức đặc chế sử dụng sữa tươi làm nguyên liệu chế biến, thay vì nhập khẩu sữa bột rồi pha lại.

Kết quả kiểm nghiệm lâm sàng cho thấy, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng nhẹ cân giảm mạnh khoảng 3%; suy dinh dưỡng thấp còi giảm khoảng 1,5%; tình trạng thiếu hụt 1 số vi chất dinh dưỡng chính (vitamin A, sắt, kẽm) đều được cải thiện rõ rệt. Đây là một thành công đáng kể so với những nỗ lực giảm tỉ lệ nhẹ cân, thấp còi trên toàn quốc (từ 2012 đến 2013, tỉ lệ nhẹ cân trên toàn quốc giảm 0,9%, tỉ lệ thấp còi giảm 0,8%).

Trong một dự thảo mới nhất về quy chuẩn SHĐ, Bộ Y tế đã xây dựng chuẩn SHĐ theo hướng sản xuất từ sữa tươi nguyên chất hoặc sữa tươi bổ sung các vi chất dinh dưỡng phù hợp với sự hấp thu của trẻ.

Sau khi Bộ Y tế ban hành quy chuẩn về SHĐ, không chỉ TH True Milk mà bất cứ doanh nghiệp nào đủ điều kiện cũng có thể đấu thầu tham gia chương trình SHĐ.

Với “ma trận” các loại sữa hiện nay, theo bà Thái Hương nên dán nhãn riêng cho SHĐ. “Tôi đang đề xuất Bộ Y tế sử dụng hình ảnh em bé quàng khăn đỏ để dán nhãn tất cả sữa đạt tiêu chuẩn quốc gia giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận diện SHĐ”, bà Thái Hương chia sẻ.

Chiều 17/3, Sở Y tế TP. HCM công bố “Danh sách các cơ sở sản xuất, chế biến sữa có mẫu kiểm nghiệm không đạt hàm lượng protid, lipid”. Trong đó, có loại sữa mẫu kiểm nghiệm không đạt hàm lượng protid như công bố là sữa bột dinh dưỡng Gold Milk Gold IQ (loại hộp giấy 400g), sữa bột Gold Milk Gold grow (loại hộp giấy 400g) và sữa bột Gold Milk người gầy (loại hộp giấy 400g) của công ty TNHHSX-TM Vân An sản xuất.

 Hoan Nguyễn

Bài liên quan

Tin mới

Trường Sa hướng về một nhân cách lớn
Trường Sa hướng về một nhân cách lớn

Được tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, quân dân huyện đảo Trường Sa bàng hoàng, xúc động; tiếc thương nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc mà bình dị, trọn đời vì nước, vì dân. Biến đau thương thành hành động, quân dân Trường Sa nguyện đem hết sức mình xây dựng huyện Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước, là pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Long An đấu thầu tìm nhà đầu tư cho dự án hơn 11.000 tỷ đồng.
Long An đấu thầu tìm nhà đầu tư cho dự án hơn 11.000 tỷ đồng.

Dự án có diện tích gần 215 ha. Quy mô dân số khoảng 30.681 người. Tổng mức đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng.

Long An phê duyệt khu công nghiệp 466 ha
Long An phê duyệt khu công nghiệp 466 ha

Vừa qua, HĐND tỉnh Long An đã có quyết nghị thống nhất thông qua đồ án quy hoạch phân khu xây dựng tỉ lệ 1/2.000 khu công nghiệp (KCN) Lộc Giang ở khu vực giáp ranh với TP.HCM, Tây Ninh.

Hơn 20,5 triệu cổ phiếu Tập đoàn Tiến Thịnh sẽ giao dịch trên UPCoM trong ngày 2/8
Hơn 20,5 triệu cổ phiếu Tập đoàn Tiến Thịnh sẽ giao dịch trên UPCoM trong ngày 2/8

Ngày 2/8, hơn 20,5 triệu cổ phiếu TT6 của Công ty cổ phần Tập đoàn Tiến Thịnh vừa được Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) chấp thuận đưa vào giao dịch trên thị trường UPCoM tại HNX, với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 10.400 đồng/cổ phiếu.

Cấm bay một năm đối với hành khách tung tin có lựu đạn trong hành lý
Cấm bay một năm đối với hành khách tung tin có lựu đạn trong hành lý

Ngày 27/7, tin từ Cục Hàng không Việt Nam, đơn vị đã ra quyết định cấm vận chuyển bằng đường hàng không có thời hạn và áp dụng biện pháp kiểm tra trực quan bắt buộc đối với hành khách tung tin có lựu đạn trong vali tại sân bay quốc tế Đà Nẵng.

Sơn La kêu gọi đầu tư dự án nhà ở 2.500 tỷ đồng
Sơn La kêu gọi đầu tư dự án nhà ở 2.500 tỷ đồng

Diện tích khu đất dự án khoảng 38,7ha, dự kiến thực hiện tại xã Phiêng Luông, huyện Mộc Châu.