Sau hơn 25 năm gây dựng, T&T Group của ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) đã trở thành một trong những tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam, kinh doanh nhiều lĩnh vực, từ tài chính, ngân hàng đến bất động sản, xuất nhập khẩu, logistics, thể thao, y tế... Đáng chú ý, vài năm trở lại đây, T&T Group đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài.
Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn T&T Group Đỗ Quang Hiển và Bộ trưởng Ngoại giao Bờ Biển Ngà trong chuyến thăm của Bộ trưởng tới Tập đoàn T&T Group
“Với doanh nghiệp, cái được là kinh nghiệm quản trị, năng lực điều hành chuyên nghiệp sẽ được tích lũy. Đây là con đường phát triển ngắn nhất, nhanh nhất nhưng cũng bền vững và hiệu quả nhất mà chúng tôi đang theo đuổi”, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc T&T Group, chia sẻ.
Thị trường nổi bật của T&T Group đâng đầu tư thời gian gần đây là châu Phi. Trước năm 2000, T&T Group đã từng tấn công thị trường này khi đem xe máy Việt xuất khẩu vào đây. Mới đây, T&T đã ký kết hợp tác với Bờ Biển Ngà, cam kết thu mua điều thô của quốc gia này với số lượng 200.000 tấn cho năm 2019. T&T Group cũng tính đầu tư nhà máy chế biến điều với công suất 50.000-70.000 tấn điều thô/năm.
Bờ Biển Ngà hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam tại châu Phi, đạt kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2018 gần 1 tỉ USD. T&T Group đang có nhiều lợi thế vì cả Bờ Biển Ngà và Guinea Bissau đều là những quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu điều thô. Trong khi đó, Việt Nam cần nhập khẩu hàng triệu tấn điều thô về chế biến. Đặc biệt, T&T Group có thể đàm phán để Bờ Biển Nga bán mặt hàng khác là bông sợi cho Tập đoàn, với mức mua tối thiểu 100.000 tấn bông/năm. Nếu kế hoạch suôn sẻ, T&T Group sẽ có nhiều cơ hội bởi 98% nguồn nguyên liệu bông phục vụ cho ngành may mặc Việt Nam phải nhập khẩu.
Ngày 30/07/2019 tại Tanzania, Tập đoàn T&T Group đã chính thức ký hợp đồng mua 176.000 tấn điều thô Tanzania vụ mùa 2018 với đại diện của Chính phủ Tanzania. Đây là hợp đồng thu mua điều thô lớn nhất trong lịch sử ngành điều thế giới từ trước đến nay, mang lại sản lượng điều dồi dào cho ngành điều trong nước, và tạo tiếng vang trên thị trường điều thế giới.
Tuy nhiên, không chỉ châu Phi, T&T Group đã mở rộng hoạt động sang nhiều nước. Hoạt động mở rộng này nhằm hiện thực hóa tham vọng đưa T&T Group trở thành một tập đoàn hàng đầu Việt Nam (nằm trong top 5 tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam) và hướng tới top 50 doanh nghiệp hàng đầu khu vực châu Á.
Tập đoàn T&T Group khai trương công ty con tại Nga vào tháng 5/2019
Tháng 5/2019, Tập đoàn đã khánh thành công ty con tại Nga (T&T Nga). Thông qua việc mở Công ty con tại Nga, việc tiếp cận các sản phẩm, ngành nghề, dịch vụ tại Nga của Tập đoàn T&T Group được dự báo sẽ thuận lợi hơn. Trong thời gian tới, Công ty con của Tập đoàn T&T Group tại Nga có chiến lược và các kế hoạch hành động cụ thể, hướng vào các lĩnh vực như: Hợp tác đầu tư các dự án năng lượng tái tạo, khai khoáng, nông nghiệp công nghệ cao, môi trường, y tế, logistics, xuất nhập khẩu, thương mại bán lẻ, và tài chính ngân hàng. Đặc biệt, được sự tín nhiệm của các nhà khoa học, giáo sư tiến sĩ hàng đầu của LB Nga, Tập đoàn T&T Group sẽ tiếp nhận và triển khai các nghiên cứu, sáng chế khoa học công nghệ cao hàng đầu của LB Nga tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy nhanh và hiệu quả cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Đối với các thị trường khác là Mỹ và Đức, T&T Group đầu tư vào mảng xuất nhập khẩu, phân phối hàng hóa và kinh doanh bất động sản. Tổng vốn đầu tư ban đầu là 50 triệu USD. Bên cạnh đó, T&T Group cũng mở công ty tại các nước châu Á như Singapore...
Trên thực tế, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của T&T Group, song hành cơ hội là không ít rủi ro. Hiệu quả đầu tư cũng cần chờ thời gian trả lời. Nhưng bù lại, từ hoạt động vươn ra quốc tế, T&T Group nhận được những cái bắt tay giá trị. Điển hình như cái bắt tay với Tập đoàn Dầu Khí của Nga để cùng phát triển các dự án năng lượng tái tạo, điện khí LNG tại Việt Nam, với tổng đầu tư các dự án khoảng 4,5 tỉ USD. Hay sự hợp tác với Công ty Gen X Energy (Mỹ) đầu tư dự án Trung tâm nhiệt điện khí hóa lỏng LNG, bến chuyên dụng và kho khí hóa lỏng LNG - Cái Mép Hạ với tổng chi phí đầu tư gần 6 tỉ USD; kế hoạch xây tuyến đường sắt đô thị số 3 (Hà Nội), với tổng giá trị 1,65 tỉ euro...
Dự án nhiều, lại vốn lớn, nhiều người đặt câu hỏi liệu T&T Group có thể có những rủi ro không? Lo lắng này đã được T&T Group nghĩ đến và trong một lần trả lời báo chí, ông Đỗ Quang Hiển có trả lời rằng: “Đối tác nước ngoài dù lớn đến mức nào nhưng khi hợp tác kinh doanh thì cùng góp vốn và kêu gọi các quỹ đầu tư, các tổ chức tín dụng nước ngoài vào”. Với cách đầu tư này, trách nhiệm điều hành dự án là của các nhà đầu tư, chứ không chỉ của riêng mỗi T&T Group. Ông Hiển từng nhận định, không dễ gì các tập đoàn nước ngoài bắt tay với T&T Group. Ngược lại, T&T Group cũng chỉ làm ăn với bên nào mang tiền và công nghệ vào.
Những dự án đầu tư này cùng hàng loạt dự án hợp tác với đối tác ngoại khác hứa hẹn sẽ làm thay đổi bức tranh kinh doanh của T&T Group ở thị trường nội địa, nhất là khi hệ sinh thái của Tập đoàn ngày càng mở rộng và quy mô hoạt động tăng lên.
PV