"Thời gian qua, nền kinh tế tuy đã phục hồi, nhưng còn khó khăn. Trong khi đó, hoạt động tổ chức tín dụng gắn liền với diễn biến của nền kinh tế. Nền kinh tế có khó khăn, hoạt động của tổ chức tín dụng cũng khó khăn. Tổ chức tín dụng vừa cung ứng vốn cho nền kinh tế, đầu tư phát triển, đồng thời tích cực thực hiện nỗ lực tái cơ cấu, xử lý hạn chế.

Đây là những nguyên nhân cơ bản khiến quá trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu đạt kết quả chưa như mong muốn", Thống đốc Lê Minh Hưng nói.

Cũng theo Thống đốc, một số cơ chế, chính sách hỗ trợ cho quá trình này còn bất cập. Do đó, NHNN đã báo cáo Chính phủ trình Quốc hội Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu tại Kỳ họp thứ 3 và tại Kỳ họp thứ 4 trình Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Đây là giải pháp quan trọng, cơ bản, có tính lâu dài để xử lý triệt để tồn tại, hạn chế, yếu kém trong hoạt động của tổ chức tín dụng.

Ngoài ra, thị trường vốn nước ta có đặc thù là phát triển chưa có bước tiến mạnh, dù đầu năm nay đã phát triển khá hơn. Do đặc thù này nên nguồn vốn của nền kinh tế phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng. Thị trường vốn chưa phát triển mạnh khiến quá trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng có một số khó khăn. Một nguyên nhân nữa đó là năng lực điều hành, quản trị của một số tổ chức tín dụng còn hạn chế - cũng khiến quá trình tái cơ cấu chưa đạt yêu cầu.

NHNN đã đánh giá nguyên nhân khách quan, chủ quan và giải pháp khắc phục của những hạn chế. Trên cơ sở này, NHNN đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án cơ cấu lại tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu.

Hoan Nguyễn