Ảnh minh họa
Cụ thể, đối với các hộ chăn nuôi nằm trong vùng xảy ra bệnh Dịch tả lợn châu Phi, sau 30 ngày không phát sinh bệnh dịch mới được tái đàn. Các hộ chăn nuôi khi tái đàn phải bảo đảm con giống có nguồn gốc rõ ràng, từ cơ sở an toàn dịch bệnh hoặc được giám sát định kỳ theo quy định.
Lợn vận chuyển từ các tỉnh ngoài phải có giấy chứng nhận kiểm dịch xuất tỉnh, phải có xét nghiệm âm tính với bệnh DTLCP. Khi nhập lợn về phải nhốt riêng đàn lợn mới mua 5 - 7 ngày để theo dõi. Trước khi tái đàn phải báo chính quyền, thú y địa phương và được chính quyền địa phương cho phép. Nếu không khai báo sẽ bị xử lý vi phạm.
Trong quá trình chăn nuôi phải áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học; hạn chế người chăn nuôi ra vào vùng dịch, không đến các khu tiêu hủy lợn bệnh. Không sử dụng thức ăn dư thừa tại các nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể. Khi xảy ra dịch phải khai báo, không được dấu dịch, nếu không khai báo sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Đối với quận còn chăn nuôi: Chỉ đạo UBND các phường tổ chức rà soát, thống kê, quản lý chặt chẽ tổng đàn lợn hiện có, thực hiện Quyết định số 71/2007/QĐ-UBND ngày 22/6/2007 của UBND TP Hà Nội, tạm thời không để hộ, doanh nghiệp chăn nuôi tái đàn lợn trong giai đoạn đang xảy ra bệnh dịch tả lợn châu Phi. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi chuyển đổi nghề.
Lê Đại