Dự án hệ thống phát hiện vật thể lạ trên đường băng vừa được Cục Hàng không đề xuất có tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng. Trong đó, mức đầu tư tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất khoảng 510 tỷ đồng và tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài là 486 tỷ đồng.
Theo Cục Hàng không, đề xuất đầu tư hệ thống phát hiện vật thể lạ trên đường hạ, cất cánh tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất lần này không ngoài mục tiêu tự động hóa việc phát hiện vật thể lạ với tọa độ cảnh báo chính xác, không cảnh báo nhầm, không tắc nghẽn, không can nhiễu với các hệ thống kỹ thuật của khu bay và tàu bay. Bên cạnh đó, hệ thống cũng giúp hạn chế, loại bỏ các sự cố gây nguy hiểm trên đường cất, hạ cánh do vật thể lạ, chim, động vật hoang dã xâm nhập.
Tái đề xuất Dự án hệ thống phát hiện vật thể lạ trên đường băng
Cục Hàng không cũng xác định tình hình ngân sách nhà nước hiện còn khó khăn, phương án nhà nước đầu tư trực tiếp từ ngân sách là không khả thi, nên dự án đã được lựa chọn đưa ra 3 phương án đầu tư.
Phương án 1 là giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư.
Phương án 2 là huy động doanh nghiệp đầu tư theo hình thức PPP ( hợp tác công-tư). Đây là phương án theo đánh giá của Cục Hàng không là có nhiều ưu điểm và khả thi nhất. Với phương án này sẽ giúp chủ động về nguồn vốn, thời gian triển khai nhanh, đáp ứng được nhu cầu cấp bách, đồng thời đảm bảo được tính đồng bộ, thống nhất trong việc xây dựng, quản lý khai thác khu bay.
Phương án 3 là Bộ Giao thông Vận tải ký hợp đồng dự án thực hiện với các quyền, nghĩa vụ trên cơ sở thoả thuận với nhà đầu tư. Theo đó, sau khi hoàn tất việc lắp đặt hệ thống, nhà đầu tư sẽ chuyển giao cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Cơ quan này lại giao cho người khai thác cảng hàng không, sân bay quản lý, khai thác và bảo trì hệ thống.
Về phương án hoàn vốn, theo Cục Hàng không, người khai thác phải trả tiền cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền bằng kinh phí trích từ doanh thu dịch vụ cất, hạ cánh hàng năm để cơ quan này trả cho nhà đầu tư. Mức kinh phí này được xác định dựa trên tổng mức đầu tư ban đầu, lợi nhuận kỳ vọng (dự kiến 11%/năm) và thời gian khai thác hệ thống (tối thiểu 10 năm).
Cuối tháng 7/2016, ACV lần đầu tiên trình Bộ Giao thông Vận tải và Cục Hàng không dự án cung cấp giải pháp và lắp đặt hệ thống phát hiện vật thể lạ trên đường băng (FODetect) với kinh phí đầu tư hơn 1.160 tỷ đồng. Giải pháp này do Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC) đầu tư và triển khai thực hiện.
Hệ thống này có mục đích phát hiện tự động, cảnh báo và xử lý toàn bộ chim, vật thể lạ trên đường hạ cất cánh có nguy cơ uy hiếp trực tiếp đến an toàn bay, thay thế cho phương pháp hiện tại là quan sát bằng mắt thường tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất.
Tuy nhiên, dự án đã vấp phải nhiều ý kiến phản đối từ dư luận và các cơ quan quản lý.
Linh Gia