Tháng 5/2024, trong chuyến khảo sát và ghi nhận thực trạng kinh doanh hàng hóa trên địa bàn thành phố Nam Định, phóng viên (PV) Tạp chí Thương hiệu và Công luận đã ghi nhận một số địa điểm trên địa bàn có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa vi phạm, trong đó có siêu thị Minh Hòa Mart tại đường Giải Phóng, thành phố Nam Định.

Siêu thị Minh Hòa Mart đặt tại đường Giải Phóng, thành phố Nam Định
Siêu thị Minh Hòa Mart đặt tại đường Giải Phóng, thành phố Nam Định

Cụ thể, theo ghi nhận trước đó tại siêu thị Minh Hòa Mart, bên cạnh những sản phẩm hàng hóa trong nước, chủ siêu thị này bày bán nhiều sản phẩm nhập ngoại. Tuy nhiên, qua quan sát của phóng viên, nhiều hàng hóa được bày bán tại đây chưa chấp hành đúng các quy định như hàng đông lạnh trên bao bì in chữ nước ngoài, không tem nhãn phụ tiếng Việt; hàng đông lạnh gắn mác của siêu thị nhưng không thể hiện rõ đơn vị cung ứng là đơn vị nào; mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, bánh kẹo nhập ngoại không dán tem nhãn phụ tiếng Việt, không rõ đơn vị chịu trách nhiệm về sản phẩm?

Từ những ghi nhận trên, PV đã liên hệ với lực lượng QLTT tỉnh Nam Định để cùng vào cuộc xác minh làm rõ những nghi vấn liên quan đến nguồn gốc xuất xứ hàng hóa đang bày bán tại siêu thị Minh Hòa Mart.

Bước đầu kiểm tra thực tế Đội QLTT số 1 (Cục QLTT tỉnh Nam Định) chỉ phát hiện tại cửa hàng có kinh doanh 102 cái bánh kem sữa chua có thể hiện trên hàng hóa do nước ngoài sản xuất. Theo cán bộ Đội QLTT số 1 thì đây là số hàng hóa có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt. Giá niêm yết trên hàng hóa là 7.000đ/cái.

Ngày 5/5, để phản ánh thực tế, Tạp chí Thương hiệu và Công luận có bài viết "Nam Định: Nhiều hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ tại siêu thị Minh Hòa Mart" - phản ảnh về việc: Tại siêu thị Minh Hòa, địa chỉ số 696 đường Giải Phóng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định có bày bán một số sản phẩm hàng hóa nhập khẩu không tem nhãn phụ tiếng Việt, thực phẩm chức năng không rõ đơn vị chịu trách nhiệm sản phẩm tại thị trường Việt Nam, “mập mờ” nguồn gốc xuất xứ,…

Ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh từ báo chí, Đội QLTT số 1, Cục QLTT Nam Định tiếp tục kiểm tra , phát hiện sai phạm trong kinh doanh của siêu thị Minh Hòa, số 696, đường Giải Phóng, TP. Nam Định. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện siêu thị này bày bán, kinh doanh một số mặt hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có tem phụ bằng tiếng Việt theo quy định. Trước những sai phạm trong kinh doanh bị phát hiện, lực lượng chức năng đã tiến hành lập biên bản xử lý vi phạm.

Sau phản ánh, lực lượng QLTT quản lý khu vực thành phố Nam Định vào cuộc kiểm tra
Sau phản ánh, lực lượng QLTT quản lý khu vực thành phố Nam Định vào cuộc kiểm tra

Sau xử lý, tình trạng vi phạm vẫn tái diễn

Như vậy, chỉ chưa đầy một tháng, lực lượng QLTT đã liên tiếp phát hiện, xử lý những vi phạm liên quan đến kinh doanh hàng hóa diễn ra tại siêu thị Minh Hòa Mart. Sự việc tưởng như đã “xuôi” vì có lực lượng QLTT phụ trách khu vực thành phố Nam Định vào cuộc kịp thời, thường xuyên theo dõi bám sát những hoạt động kinh doanh trong khu vực, góp phần làm lành mạnh thị trường. Nhưng, thời điểm phóng viên có mặt ngày 25/6 mới đây cho thấy, hoạt động của siêu thị vẫn diễn ra bình thường, chủng loại hàng hóa vi phạm vẫn còn tồn tại.

Cụ thể, tại khu vực bày bán đồ đông lạnh đặt chắn lối đi tại tầng 1 của siêu thị, một số sản phẩm nhập ngoại như khoai tây Bỉ (đã được phản ánh trong nội dung bài viết trước) vẫn không được dán tem nhãn phụ tiếng Việt. Cũng tại quầy đông lạnh, nhiều các sản phẩm cá hồi được cắt thành từng lát đóng gói cẩn thận, bên ngoài bao bì được gắn mác “Minh Hoa Mart”, cùng với đó là thông tin nhà cung cấp là Công ty TNHH Thực phẩm sạch Thương mại T&P Hải Phòng, tuy nhiên không thể tìm thấy thông tin về hạn sử dụng hay ngày đóng gói sản phẩm.

Vẫn còn tồn tại những dấu hiệu sai phạm liên quan đến tem nhãn hàng hóa
Vẫn còn tồn tại những dấu hiệu sai phạm liên quan đến tem nhãn hàng hóa. Ảnh: Cắt từ clip

Tiếp tục dạo quanh một vòng siêu thị, tại những quầy hàng PV ghi nhận trước đó vẫn bày bán sản phẩm ngoại nhập có dấu hiệu vi phạm.

Ghi nhận tại quầy bánh kẹo nhập ngoại, bên cạnh những sản phẩm được dán tem nhãn phụ tiếng Việt, không khó để có thể bắt gặp những sản phẩm “trắng” thông tin về sản phẩm bằng tiếng Việt.

Không khó để có thể bắt gặp những sản phẩm bánh kẹo nhập ngoại không dán tem nhãn phụ tiếng Việt
Không khó để có thể bắt gặp những sản phẩm bánh kẹo nhập ngoại không dán tem nhãn phụ tiếng Việt

Cũng tại quầy nước ngọt, nước giải khát nhập ngoại, nhiều sản phẩm được bày bán tại đây. Tương tự như quầy bánh kẹo, PV ghi nhận nhiều sản phẩm nước ngọt nhập ngoại trên bao bì thể hiện những sản phẩm này đến từ Trung Quốc, Nhật Bản,… nhưng cũng không rõ thông tin sản phẩm bằng tiếng Việt.

Ghi nhận nhiều sản phẩm nước ngọt nhập ngoại cũng không rõ đơn vị chịu trách nhiệm về sản phẩm tại thị trường Việt Nam là đơn vị nào
Ghi nhận nhiều sản phẩm nước ngọt nhập ngoại cũng không rõ đơn vị chịu trách nhiệm về sản phẩm tại thị trường Việt Nam là đơn vị nào

Không chỉ dừng lại ở quầy bánh ngọt, nước giải khát, ghi nhận tại quầy gia dụng, nhiều sản phẩm bình đựng nước bên ngoài bao bì có in chữ Trung Quốc, nhưng không có thông tin liên quan đến sản phẩm như đơn vị chịu trách nhiệm nhập khẩu sản phẩm tại thị trường Việt Nam là đơn vị nào, sản phẩm đã qua kiểm nghiệm hay chưa? Cũng cần nói thêm rằng, bình đựng nước được xếp vào nhóm dụng cụ chứa đựng thực phẩm, các sản phẩm này trước khi bán ra thị trường cần phải được công bố chất lượng sản phẩm theo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn thực phẩm.

Nhiều sản phẩm gia dụng, đồ tiêu dùng thiết yếu nhập ngoại
Nhiều sản phẩm gia dụng, đồ tiêu dùng thiết yếu nhập ngoại cũng "trắng" thông tin bằng tiếng Việt

Trước những ghi nhận trên có thể thấy mặc dù cơ sở này đã bị kiểm tra liên tiếp và cũng đã bị xử phạt vi phạm hành chính, tuy nhiên tình trạng kinh doanh hàng hóa có dấu hiệu vi phạm vẫn tiếp diễn. Dư luận đặt ra câu hỏi: Phải chăng mức xử phạt chưa đủ sức răn đe, chủ cơ sở này vẫn cố tình, nhờn luật? Hay việc tuyên truyền phổ biến pháp luật trong hoạt động kinh doanh thương mại của lực lượng QLTT phụ trách khu vực còn nhiều hạn chế, dẫn tới tình trạng chủ cơ sở này chưa nhận thức đầy đủ việc phải thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong kinh doanh?

Pháp luật quy định những gì?

Theo quy định của pháp luật về tem nhãn, sản phẩm bày bán phải có nhãn hàng hóa. Nhãn hàng hoá bao gồm hai loại là nhãn gốc và nhãn phụ.

Nhãn gốc: Đây là nhãn được thể hiện lần đầu được gắn trên bao bì, hàng hóa do các cá nhân, tổ chức sản xuất hàng hóa tự gắn lên đó (được quy định tại khoản 3, Điều 3, Nghị định 43/2017/NĐ-CP).

Nhãn phụ cũng tương tự như nhãn gốc được gắn lên trên hàng hóa hoặc bao bì thương phẩm nhưng ngôn ngữ sử dụng phải là tiếng Việt, trên đó nêu rõ những nội dung bắt buộc trên nhãn gốc luật định, các cá nhân, tổ chức phải dịch từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt hoặc là những nội dung mà nhãn gốc còn thiếu theo quy định của pháp luật Việt Nam cần phải bổ sung (được quy định tại khoản 4, Điều 3, Nghị định 43/2017/NĐ-CP).

Cũng theo quy định của pháp luật, hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 500.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

Trường hợp hàng hóa vi phạm là: lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thực phẩm chức năng thì sẽ phạt tiền cao nhất là 60.000.000 đồng.

Cùng với đó là các hình thức xử phạt bổ sung liên quan đến những vi phạm trên như: buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc buộc tái xuất đối với hàng hóa nhập khẩu; buộc thu hồi hàng hóa và buộc ghi nhãn hàng hóa đúng quy định trước khi tiếp tục lưu thông; buộc thu hồi và tiêu hủy nhãn hàng hóa vi phạm, buộc tiêu hủy hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng hàng hóa có nhãn vi phạm trong trường hợp không thể tách rời nhãn hàng hóa vi phạm ra khỏi hàng hóa; buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định pháp luật đối với hành vi vi phạm quy định.

T.A