Trưng bày tái hiện một phần ký ức miền Bắc Việt Nam trong hai đợt chiến tranh phá hoại của không quân và hải quân Mỹ (1964-1972). Dù phải đối đầu với những loại vũ khí hiện đại nhất của không lực Hoa Kỳ, thế trận chiến tranh nhân dân của Việt Nam một lần nữa chiến thắng, làm nên “Điện Biên Phủ trên không” lẫy lừng vào tháng 12/1972.
Các tư liệu, hình ảnh tại trưng bày (Ảnh: Khu Di tích Nhà tù Hỏa Lò)
Trưng bày được giới thiệu qua hai phần: Giữ vững biển trời và Nối hai bờ đại dương.
Phần Giữ vững biển trời mô tả bản lĩnh, trí tuệ của quân dân miền bắc Việt Nam trong hai đợt chiến tranh phá hoại của quân đội Mỹ. Phần Nối hai bờ đại dương trưng bày những nỗ lực của chính phủ và nhân dân hai nước đã chung tay, góp sức hàn gắn vết thương chiến tranh, xoa dịu những nỗi đau còn dai dẳng suốt hơn 45 năm qua. Trong hành trình đặc biệt ấy, có sự góp sức không nhỏ của các cựu chiến binh, các tổ chức, cá nhân yêu chuộng hòa bình.
Tại trưng bày “Để bầu trời mãi xanh”, lần đầu tiên, khách tham quan được trải nghiệm audio guide (thuyết minh tự động). Các câu chuyện được thể hiện qua giọng kể truyền cảm, kết hợp với hiệu ứng âm thanh sống động: tiếng bom rơi, tiếng súng nổ, tiếng ầm ì của máy bay, nghe lại giọng đọc quen thuộc của phát thanh viên Nguyễn Thị Thìn xen với tiếng kẻng, tiếng còi báo động phòng không: "Đồng bào chú ý! Đồng bào chú ý!...". Khách tham quan cũng được tận mắt thấy và gõ kẻng làm từ bom Mỹ, đội mũ rơm và ẩn nấp trong hầm chữ A, nghe giới thiệu về cách làm hầm, công năng của hầm để tránh đạn bom trong thời chiến.
Tại buổi khai mạc trưng bày, còn có sự hiện diện của những phi công năm xưa đã bắn rơi những “bóng ma” trên bầu trời miền bắc, những cán bộ quản giáo làm công tác bảo vệ và chăm sóc phi công Mỹ tại "Khách sạn Hilton Hà Nội" (1964-1973), những người dân đã vượt qua những ngày Hà Nội bom đạn.
Trưng bày khai mạc ngày 23/11 tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, số 1 Hỏa Lò, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Hà Trần