1. Tài khoản số là gì?
Tài khoản số là thông tin dùng để chứng thực, xác thực, phân quyền sử dụng các ứng dụng, dịch vụ trên không gian mạng.
Trong đó, không gian mạng là mạng lưới kết nối của cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, bao gồm mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu; là nơi con người thực hiện các hành vi xã hội không bị giới hạn bởi không gian và thời gian.
(Theo khoản 3, khoản 11 Điều 2 Luật An ninh mạng 2018)
Ví dụ tài khoản số như:
- Tài khoản email: Tài khoản Gmail, Outlook, hoặc Yahoo Mail dùng để gửi, nhận thư và quản lý liên lạc trực tuyến.
- Tài khoản mạng xã hội: Tài khoản Facebook, Instagram, hoặc Twitter dùng để kết nối, chia sẻ thông tin và tương tác với người khác.
- Tài khoản ngân hàng trực tuyến: Tài khoản của các ngân hàng như Vietcombank hoặc BIDV, cho phép người dùng thực hiện các giao dịch tài chính qua Internet.
- Tài khoản dịch vụ học tập trực tuyến: Tài khoản trên các nền tảng như Coursera hoặc Zoom để tham gia các khóa học và cuộc họp trực tuyến.
- Tài khoản ứng dụng công việc: Microsoft Teams, hoặc Trello, giúp quản lý công việc và giao tiếp trong công ty.
Trên đây là giải đáp “Tài khoản số là gì?” và ví dụ tài khoản số. Lưu ý: Nội dung chỉ mang tính tham khảo.
[TIỆN ÍCH] Tra cứu Công việc pháp lý trang PHÁP LUẬT DOANH NGHIỆP |
Tài khoản số là gì, Doanh nghiệp nào phải xác thực thông tin khi người dùng đăng ký tài khoản số (Ảnh minh họa – Nguồn Internet)
2. Doanh nghiệp nào phải xác thực thông tin khi người dùng đăng ký tài khoản số?
Căn cứ khoản 2 Điều 26 Luật An ninh mạng 2018, quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp trong nước và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam như sau:
a) Xác thực thông tin khi người dùng đăng ký tài khoản số; bảo mật thông tin, tài khoản của người dùng; cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an khi có yêu cầu bằng văn bản để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng;
b) Ngăn chặn việc chia sẻ thông tin, xóa bỏ thông tin có nội dung quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 16 của Luật này trên dịch vụ hoặc hệ thống thông tin do cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý chậm nhất là 24 giờ kể từ thời điểm có yêu cầu của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Thông tin và Truyền thông và lưu nhật ký hệ thống để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng trong thời gian theo quy định của Chính phủ;
c) Không cung cấp hoặc ngừng cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet, các dịch vụ gia tăng cho tổ chức, cá nhân đăng tải trên không gian mạng thông tin có nội dung quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 16 của Luật này khi có yêu cầu của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Như vậy, doanh nghiệp trong nước và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam phải xác thực thông tin khi người dùng đăng ký tài khoản số.
Ngoài ra các doanh nghiệp này còn phải:
- Ngăn chặn, xóa bỏ thông tin vi phạm trong vòng 24 giờ khi được yêu cầu và lưu nhật ký hệ thống để phục vụ điều tra.
- Ngừng cung cấp dịch vụ cho tổ chức, cá nhân đăng thông tin vi phạm khi có yêu cầu từ Bộ Công an hoặc Bộ Thông tin và Truyền thông.
>>Xem thêm các thông tin không được đăng trên trang thông tin điện tử, cổng thông tin điện tử, hoặc chuyên trang mạng xã hội TẠI ĐÂY.
3. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên không gian mạng phải lưu trữ dữ liệu khách hàng trong bao lâu?
Căn cứ khoản 3 Điều 26 Luật An ninh mạng 2018, doanh nghiệp trong nước và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có hoạt động thu thập, khai thác, phân tích, xử lý dữ liệu về thông tin cá nhân, dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ, dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra phải lưu trữ dữ liệu này tại Việt Nam tối thiểu 24 tháng bắt đầu từ khi doanh nghiệp nhận được yêu cầu lưu trữ dữ liệu đến khi kết thúc yêu cầu.
Ngoài ra, doanh nghiệp ngoài nước trong trường hợp phải đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam bắt đầu từ khi doanh nghiệp nhận được yêu cầu đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam đến khi doanh nghiệp không còn hoạt động tại Việt Nam hoặc dịch vụ được quy định không còn cung cấp tại Việt Nam.
Tóm lại, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng tại Việt Nam phải lưu trữ dữ liệu cá nhân và thông tin người dùng tại Việt Nam tối thiểu 24 tháng, bắt đầu từ khi nhận yêu cầu lưu trữ đến khi kết thúc yêu cầu.
Trên đây là toàn bộ giải đáp về “Tài khoản số là gì? Nêu ví dụ tài khoản số? Doanh nghiệp nào phải xác thực thông tin khi người dùng đăng ký tài khoản số? Thời gian lưu trữ dữ liệu khách hàng là bao lâu?”.
H. Thủy (Nguồn: https://thuvienphapluat.vn/)