Dự án Nhà máy Ethanol Bình Phước thuộc top 5 dự án “đắp chiếu” của PVN và là một trong 12 đại dự án thua lỗ của Bộ Công thương. Dự án được khởi công từ năm 2010, chủ đầu từ là Công ty TNHH Nhiên liệu sinh học Phương Đông (OBF).

Dự án ngàn tỷ từng bị đóng cửa

Từng được kỳ vọng sẽ tạo ra nguồn nhiên liệu sinh học giá rẻ làm nguyên liệu chế biến xăng, nhưng sau khi đưa vào hoạt động từ cuối năm 2012, Nhà máy ethanol Bình Phước (huyện Bù Đăng, Bình Phước), do Công ty TNHH Nhiên liệu sinh học Phương Đông làm chủ đầu tư với số vốn lên tới 84 triệu USD, cũng chỉ mới vận hành thử nghiệm một thời gian rồi... đóng cửa.

Tái khởi động lại dự án ngàn tỷ Ethanol đã “chết” ở Bình Phước - Hình 1

Nhà máy ethanol Bình Phước từng bị “trùm mền”

Một trong những nguyên nhân, theo Bộ Công thương, do tổng thầu là Tổng công ty CP Xây lắp dầu khí gặp khó khăn, tiến độ dự án chậm, giá cả vật tư tăng cao nên nhà thầu đề nghị tăng giá hợp đồng. Tuy nhiên, phía các cổ đông góp vốn cho dự án không đồng ý nên không thống nhất được hướng đi tiếp theo của dự án.

Ngay từ khi chưa đưa vào hoạt động thương mại, Nhà máy ethanol BP được góp với vốn bởi 2 đối tác là Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) nắm 51% vốn và Tập đoàn Itochu (Nhật Bản, nắm giữ 49% cổ phần Nhà máy ethanol Bình Phước) với tổng mức đầu tư gần 85 triệu USD đã rút lui, bán toàn bộ phần trị giá đầu tư với giá bằng 35% số tiền đã góp cho Toyo Thai New Energy LTE. LTD.

Theo “Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015 và tầm nhìn đến 2025” - được Chính phủ phê duyệt năm 2007, nhiên liệu sinh học sẽ thay thế một phần nhiên liệu hóa thạch để góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường.

Theo đó, giai đoạn 2011 - 2015, VN sẽ sản xuất 150.000 tấn nhiên liệu sinh học, đáp ứng 0,1% nhu cầu xăng dầu cả nước. Đến năm 2025, sẽ sản xuất 1,8 triệu tấn nhiên liệu sinh học, đáp ứng 5% tổng nhu cầu xăng dầu.

Tái khởi động lại dự án đã... chết!

Theo nghị quyết, trong năm 2017, Licogi 16 sẽ tham gia thi công các công việc hoán cải, sửa chữa giai đoạn 1 nhằm đưa nhà máy đi vào hoạt động. Công ty cho biết, phần góp vốn còn lại của LCG sẽ thực hiện góp chậm nhất vào ngày 15/5/2018.

Tái khởi động lại dự án ngàn tỷ Ethanol đã “chết” ở Bình Phước - Hình 2

Tái khởi động nhà máy xăng sinh học

Theo công suất thiết kế, nhà máy có công suất 300.000 lít xăng E5 /ngày; hàng năm, nhà máy dự kiến tiêu thụ 240.000 tấn sắn khô nguyên liệu cho nông dân tỉnh Bình Phước và khu vực Tây Nguyên. Dù vậy, từ khi đi vào hoạt động từ tháng 12/2012, nhà máy mới chỉ hoạt động được tổng cộng 5 đợt, sản xuất hơn 16 triệu lít xăng Ethanol, trước khi ngừng hoạt động vào năm 2015.

Việc tái khởi động dự án, đã được PVN khẳng định từ 19/7. Theo đó, trong năm 2018, PVOil và các cổ đông khác sẽ chịu trách nhiệm thu xếp vốn lưu động phục vụ sản xuất cho OBF (tương đương tối đa 91,3 tỷ đồng) bằng cách ứng trước tiền mua sản phẩm E100 của OBF và làm việc với nhà cung cấp để ứng trước nguyên liệu sắn lát đáp ứng yêu cầu sản xuất...

Với việc đẩy mạnh sử dụng xăng sinh học trong tương lai, bằng việc thay thế A92 bằng E5 và A95, sẽ là một điểm sáng tích cực cho sự trở lại của nhà máy ngàn tỷ ethanol BP.

Tháng 8/2010, xăng E5 (xăng pha 4-5% nhiên liệu ethanol) được tung ra thị trường TP. HCM và Hà Nội. Theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2015, xăng E5 sẽ được tiêu thụ đại trà trên cả nước. Ba nhà máy sản xuất ethanol đã được đầu tư, nhưng đến nay, cả 3 đều sản xuất cầm chừng, thậm chí tạm ngưng hoạt động.

Cao Diên – Hải Dương