Nhiều năm qua tình trạng sản xuất, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng kém chất lượng như: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hàng bách hóa tiêu dùng còn diễn ra nhiều nơi. Các mặt hàng là dược phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược liệu, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc,… có chiều hướng gia tăng.
Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đang là vấn nạn của thị trường Việt Nam
Không những thế tình trạng nhập phế liệu về Việt Nam để chế biến và tái xuất ngày càng tăng cao so với thời gian trước. Tại các khu vực biên giới phía Bắc, tuyến biên giới miền Trung hay biên giới Tây Nam bộ, hoạt động vận chuyển, tang trữ những hàng cấm, hàng lậu, mỹ phẩm lậu diễn biến rất phức tạp, tinh vi. Từ việc vận chuyển hoàng hóa qua biên giới và đưa vào nội địa bằng con đường thuê người dân địa phương bốc vác, chở hàng bằng ghe thuyền hay xe máy để luồn lách vào đường mòn, khu vực chợ, bến xe… để tránh lực lượng chức năng kiểm soát.
Điều đáng lo ngại hơn, thời gian qua hoạt động buôn bán hàng qua mạng diễn ra rất phổ biến nhưa chưa được kiểm soát hiệu quả, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng bị trà trộn, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng (NTD), khiến cho NTD dễ bị lâm vào “ma trận” bán hàng, không biết đâu là thật, đâu là sản phẩm tốt để tin dùng.
Để tăng cường công tác các nhiệm vụ về kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật, cục Quản lý thị trường đã được nâng cấp thành Tổng cục Quản lý thị trường, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 34/2018/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường trực thuộc Bộ Công Thương.
Theo đó, Tổng cục Quản lý thị trường có chức năng tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; chỉ đạo, hướng dẫn và thực hiện hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Quản lý thị trường; áp dụng các biện pháp nghiệp vụ phục vụ hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành và xử lý vi phạm hành chính; thu thập tài liệu, chứng cứ, lấy mẫu sản phẩm hàng hóa, tang vật, phương tiện có dấu hiệu vi phạm, trưng cầu giám định, kiểm nghiệm mẫu vật là hàng hóa, tài liệu, giấy tờ, vật chứng liên quan đến vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân; xử lý vi phạm hành chính.
Ngoài ra, để quản lý chặt chẽ và đẩy lùi tình hình buôn lậu tại khu vực biên giới, mới đây Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng và Cảnh sát biển tăng cường công tác nắm tình hình, bảo vệ an ninh trật tự; phòng, chống tội phạm, thực thi pháp luật khu vực biên giới đất liền và trên biển, chú trọng cửa khẩu, đường mòn, lối mở và các vùng biển trọng điểm khu vực Đông Bắc và Tây Nam. Chỉ huy các cấp trong lực lượng làm tốt công tác quán triệt, ra nghị quyết chuyên đề, xây dựng kế hoạch thực hiện đợt cao điểm tập trung mạnh vào tội phạm về ma túy, buôn lậu xăng dầu, than, gỗ, thuốc lá điếu, pháo nổ...
Cùng với Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng Công an cả nước quyết liệt mở nhiều đợt cao điểm tấn công truy quét tội phạm, phát hiện, đấu tranh, bắt giữ, xử lý nhiều vụ buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng giả, thu giữ nhiều hàng hóa buôn lậu có giá trị cao, góp phần quan trọng kiềm chế tình hình buôn lậu ở các tuyến, địa bàn, lĩnh vực, trong đó đã khởi tố hình sự 462 vụ, 425 đối tượng.
Đồng thời, luôn tăng cường các biện pháp giáo dục chính trị, tư tưởng, siết chặt kỷ cương kỷ luật. Tăng cường xây dựng các chuyên đề để triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về chống buôn lậu, gian lận thượng mại và hàng giả trong phạm vi cả nước.
Hoàng An