Ảnh minh họa
Văn bản nêu rõ, thời gian qua tình hình sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng và hàng vi phạm QSHTT diễn ra trên địa bàn cả nước có chiều hướng gia tăng. Nhiều vụ việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ với quy mô lớn, có hệ thống nhưng chưa được phát hiện kịp thời và xử lý một cách triệt để.
Trước tình hình trên, ngày 12/10/2018, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã có ý kiến chỉ đạo các bộ, ngành và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tăng cường công tác đấu tranh, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vụ việc xâm phạm QSHTT đối với hàng hóa sản xuất, lưu thông trên thị trường.
Để thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục đối với cộng đồng dân cư, người tiêu dùng trong việc nhận thức rõ tác hại của việc mua bán, tiêu dùng hàng giả, hàng kém chất lượng và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Chủ động phát hiện, tố cáo các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Chủ động rà soát các văn bản quy định pháp luật về hàng giả, hàng kém chất lượng và hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên còn thiếu hoặc sơ hở để đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Đồng thời, Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác nắm tình hình, kiểm tra, kiểm soát hàng hóa sản xuất, lưu thông trên thị trường nhằm kịp thời phát hiện, xử lý đối với các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng và hàng hóa xâm phạm QSHTT. Đặc biệt trong thời gian trước, trong dịp tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.
Cùng với đó, tập trung phát hiện, xử lý những đường dây, ổ nhóm sản xuất, tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng với quy mô lớn, đặc biệt đối với nhóm hàng hóa có ảnh hưởng đến sức khỏe như thực phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh.
Theo chinhphu.vn