Cùng với đó, các doanh nghiệp tiếp tục duy trì, thực hiện phương án bảo đảm sản phẩm thiết yếu đã xây dựng (lượng hàng hóa ký kết tăng 2-3 lần so với ngày thường) để sẵn sàng ứng phó với dịch Covid-19. “Tính đến hết tháng 11/2020, đã có 25 đơn vị sản xuất, kinh doanh của TP Hà Nội và các tỉnh, 2 tổ chức tín dụng đăng ký tham gia kế hoạch bảo đảm hàng hóa phục vụ Nhân dân Thủ đô. Các doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch khai thác lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết tăng 7-22% so với Tết 2020. Nguồn cung các mặt hàng dồi dào, cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng” - bà Lan thông tin.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ. (Ảnh: internet)

Thông tin từ Bộ Công Thương, các doanh nghiệp ngành công thương TP Hồ Chí Minh đã dự trữ lượng hàng hóa cho 2 tháng Tết với kinh phí 19.679,7 tỷ đồng, tăng 652,4 tỷ đồng so với Tết Canh Tý 2020, trong đó nguồn hàng bình ổn thị trường là 7.132,6 tỷ đồng. Ngoài ra, một số tỉnh như Bắc Giang, Cao Bằng, Đồng Nai, Hải Phòng, Đồng Tháp… cũng đã có kế hoạch dự trữ hàng hóa, bảo đảm nhu cầu thị trường, không để xảy ra tỉnh trạng thiếu hoặc tồn đọng sau Tết Nguyên đán.

Song song với đó, Sở Công Thương Hà Nội và các tỉnh, thành theo dõi sát tình hình sản xuất, diễn biến dịch bệnh, thời tiết, nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi để chủ động nguồn cung, ổn định thị trường các mặt hàng nông sản thực phẩm thiết yếu. Đẩy mạnh triển khai các hoạt động thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", qua đó hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất tiêu thụ, lưu thông hàng hóa.

Hà Trần