Đoàn công tác của Chủ mỏ dầu Sư Tử Đen thăm và làm việc tại BSR
Đoàn công tác của Chủ mỏ dầu Sư Tử Đen thăm và làm việc tại BSR

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Nhà máy phụ trách kỹ thuật công nghệ của BSR Đặng Ngọc Đình Điệp nhấn mạnh, nguồn dầu thô cung cấp cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất chế biến chủ yếu là từ Bạch Hổ, nhưng hiện nay sản lượng mỏ Bạch Hổ đang dần cạn kiệt, do đó việc tìm nguồn dầu thô thay thế rất quan trọng đối với BSR.

Đại diện BSR cũng đã giới thiệu về Nhà máy lọc dầu Dung Quất, quá trình nhập, lưu chứa và kiểm soát chất lượng các loại dầu thô; quá trình chế biến dầu thô tại phân xưởng chưng cất dầu thô (CDU) và các phân xưởng công nghệ khác; các vấn đề kỹ thuật thường gặp phải khi chế biến dầu thô Sư Tử Đen như hiện tượng cáu cặn và ăn mòn tại hệ thống đỉnh tháp chưng cất gây ra do tạp chất amine (tramp amine) cao.

Đại diện Chủ mỏ dầu Sư Tử Đen - Công ty Liên doanh Điều hành Cửu Long (CLJOC) giới thiệu về công nghệ quá trình khai thác và sản lượng khai thác; quá trình sử dụng hóa chất để kiểm soát chất lượng dầu Sư Tử Đen và khí đồng hành, các vấn đề về kỹ thuật trong quá trình khai thác. Đặc biệt, chủ mỏ đã chia sẻ các giải pháp được thực hiện nhằm giảm hàm lượng tramp amine trong dầu thô Sư Tử Đen sau khi có có yêu cầu của BSR.

Tại buổi làm việc, hai bên đã trao đổi sâu về công nghệ khai thác và chế biến dầu thô Sư Tử Đen; thảo luận việc tối ưu công nghệ, tối ưu hóa chất nhằm kiểm soát các vấn đề kỹ thuật trong quá trình khai thác tại mỏ hay quá trình chế biến tại Nhà máy. BSR chia sẻ phương pháp phân tích hàm lượng tramp amine trong dầu thô mà các Chủ mỏ quan tâm bởi tại Việt Nam hiện chưa có phòng thí nghiệm nào có thể phân tích đáp ứng yêu cầu.   

Dầu thô Sư Tử Đen là 1 trong 5 loại dầu trong nước mà hiện tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất chế biến, có tính chất phù hợp với cấu hình của Nhà máy với tỉ lệ chế biến có thể lên đến 45% thể tích. Dầu thô Sư Tử Đen được chế biến lần đầu vào tháng 7 năm 2015, đến nay đã nhập và chế biến được 235 lô với khối lượng khoảng 9,5 triệu tấn. Tuy nhiên, tỉ lệ chế biến bị hạn chế bởi còn lẫn một số tạp chất.

Sau buổi làm việc, hai bên đã thống nhất các phương án nhằm tiếp tục giảm hàm lượng tramp amine trong dầu thô Sư Tử Đen xuống mức cho phép để có thể tăng tỷ lệ chế biến dầu Sư Tử Đen lên mức tối đa trong thời gian tới.

PV