Ảnh minh hoạ
Qua chương trình, các ngân hàng đã cam kết cho vay mới hơn 800.000 tỷ đồng, trong đó đã giải ngân gần 900.000 tỷ đồng cho trên 50.000 doanh nghiệp và một số đối tượng khác; thực hiện gia hạn nợ, cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ, giảm lãi suất cho gần 60.000 tỷ đồng đối với các khoản vay cũ cho gần 3.300 doanh nghiệp và một số đối tượng khách hàng khác.
Trong những tháng đầu năm 2019, NHNN đã phối hợp với UBND 3 thành phố lớn (Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh) tổ chức các Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, đồng thời giao cho giám đốc các NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố khác chủ động tổ chức hội nghị này tại địa phương để tăng cường hiểu biết, chia sẻ và hợp tác giữa ngành Ngân hàng và khách hàng nói chung, doanh nghiệp nói riêng.
Những năm gần đây, mặc dù tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp hơn và được kiểm soát chặt chẽ hơn, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế tiếp tục tăng cao, cho thấy tín dụng được phân bổ hiệu quả và có chất lượng. Cơ cấu tín dụng tiếp tục có sự điều chỉnh tích cực, trong đó tín dụng tập trung vào lĩnh vực SXKD, lĩnh vực ưu tiên; tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ. Tín dụng ngoại tệ được kiểm soát phù hợp với lộ trình hạn chế đô la hóa trong nền kinh tế.
NHNN chủ động triển khai nhiều giải pháp căn cơ, quyết liệt góp phần đẩy lùi tín dụng đen như: Thường xuyên hoàn thiện, bổ sung cơ chế, chính sách cho vay nói chung và cho vay tiêu dùng; Tổ chức thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách tín dụng, đặc biệt là đối với các lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích phát triển theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng như các chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác;
NHNN cũng đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định 116 sửa đổi, bổ sung Nghị định 55 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn với nhiều điểm mới đột phá. Có chính sách khuyến khích mở rộng mạng lưới của các TCTD đến các vùng sâu, vùng xa, các địa bàn nông nghiệp, nông thôn; chỉ đạo các TCTD đổi mới quy trình, thủ tục cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục vay vốn, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay; dành nguồn vốn nhất định để phát triển các gói sản phẩm cho vay phục vụ đời sống/tiêu dùng phục vụ nhu cầu chính đáng của người dân, đặc biệt là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, khu công nghiệp, khu đông người lao động;
Đồng thời, đơn giản hóa và rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay; xác định thời gian cho vay phù hợp với nhu cầu sử dụng vốn và khả năng trả nợ của khách hàng; tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ nhằm ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi tiếp tay cho các đối tượng xã hội đen cho vay nặng lãi.
Thời gian qua, NHNN đã tổ chức Hội nghị triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng nhằm hạn chế tín dụng đen tại Gia Lai để triển khai các giải pháp cụ thể, quyết liệt, mạnh mẽ, đồng bộ nhằm đẩy mạnh tín dụng phục vụ sản xuất, tiêu dùng, góp phần hạn chế việc người dân tìm đến các nguồn vốn tín dụng không chính thức; mời đại diện lãnh đạo các tổ chức chính trị, chính trị xã hội (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) họp bàn đôn đốc triển khai quyết liệt các giải pháp đã đề ra.
Trong thời gian tới, NHNN sẽ điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt; nâng cao chất lượng tín dụng, phù hợp với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế và tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận tín dụng.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh cơ cấu lại và phát triển nhanh, bền vững các phân đoạn thị trường tài chính; tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân huy động vốn trên thị trường chứng khoán.
Hà Trần