Thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh về tình trạng hàng hoá sản xuất từ nước ngoài, hàng giả, hàng nhái, giả mạo xuất xứ, nhãn mác “Made in Vietnam”, trong đó tập trung nhóm mặt hàng tiêu dùng, thời trang… để gian lận thương mại, gây thất thu ngân sách nhà nước, ảnh hưởng doanh nghiệp xuất khẩu trong nước và thiệt hại cho người tiêu dùng.
Để bảo vệ thương hiệu cho doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; Văn phòng thường trực thuộc Trung ương tham mưu Trương Ban chỉ đạo lực lượng chức năng thực hiện các nội dung.
Thứ nhất, các đơn vị cần tập trung điều tra cơ bản, rà soát, kiểm soát chặt chẽ khu vực cửa khẩu biên giới và nội địa để kịp thời phát hiện, ngăn chặn hàng hoá tiêu dùng, thời trang… giả mạo xuất xứ, nhãn mác trên địa bàn để có biện pháp quản lý theo đúng quy định pháp luật.
Thứ hai, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhưu: nhập lậu, phân phối, lưu thông trong thị trường nội địa các mặt hàng sản xuất ở nước ngoài nhưng lại gắn nhãn mác “Made in Vietnam” để gian lận, đánh lừa người tiêu dùng trong nước.
Thứ ba, đẩy mạnh tuyên truyền, phát động toàn dân không bao che, tiếp tay cho hành vi gian lận xuất xứ và tham gia tốc giác các hành vi vi phạm.
(Ảnh minh họa)
Trước đó, theo nhận định từ Bộ Công Thương, thời gian vừa qua, hiện tượng gian lận thương mại thông qua ghi nhãn xuất xứ hàng hóa sản xuất tại Việt Nam ngày càng gia tăng. Nhiều sản phẩm, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam đã khẳng định được chất lượng cao, ổn định, đáng tin cậy. Xuất phát từ thực tế này, có trường hợp hàng hóa được sản xuất nhập khẩu từ nước ngoài hoặc đặt gia công tại nước ngoài nhưng lại gắn mác là hàng “Made in Viet Nam” để gian lận thương mại, đánh lừa người tiêu dùng.
Tuy nhiên, hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam chưa có quy định điều chỉnh việc hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam. Các quy định hiện hành dù đang được hoàn thiện để phù hợp với thực tế sản xuất và kinh doanh hàng hóa tại Việt Nam nhưng phạm vi điều chỉnh chủ yếu là nhãn hàng hóa, chỉ dẫn địa lý và thương hiệu.
Vì vậy, việc hoàn thiện thể chế pháp lý về ghi nhãn sản xuất "Made in Viet Nam" đang là một nhu cầu cấp bách. Hy vọng với sự ra đời của khung pháp lý về vấn đề này, sản phẩm, hàng hóa Việt Nam sẽ tự tin hơn nữa khẳng định chất lượng, chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng Việt Nam và thế giới.
PV