Tại điểm cầu Thanh Hóa, ông Lê Đức Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cùng đại diện lãnh đạo, các ngành thành viên Ban Chỉ đạo 138 và BCĐ 389 tỉnh dự hội nghị.
Năm 2020, tình hình tội phạm về trật tự xã hội và buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả vẫn diễn biến phức tạp. Theo báo cáo của BCĐ 138, trong năm cả nước xảy ra 42.958 vụ việc về trật tự xã hội. Các hành vi tội phạm về quản lý kinh tế, tội phạm công nghệ cao, tội phạm và vi phạm pháp luật về mu túy cũng ngày càng tinh vi. Tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn biến phức tạp, nhất là trên tuyến biên giới, các cửa khẩu, cảng biển, hàng không.
Trong năm 2020, Bộ Công an đã mở 4 đợt cao điểm tấn công trấn át tội phạm. Đồng thời, chỉ đạo lực lượng công an các cấp phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc Bộ Quốc phòng, Tổng cục Hải quan triển khai các kế hoạch nghiệp vụ, đấu tranh với tội phạm, tập trung giải quyết những vấn đề phức tạp.
Kết quả, các lực lượng chức năng đã điều tra, khám phá 35.872 vụ phạm tội về trật tự xã hội, đạt tỷ lệ 83,5%, cao hơn chỉ tiêu Quốc hội đề ra 8,5%; điều tra phá án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt 91,13%, cao hơn chỉ tiêu giao 1,13%, triệt phá 1.860 băng, nhóm hình sự các loại, trấn áp mạnh và đẩy lùi tội phạm đến hoạt động tín dụng đen; tiếp nhận 100% tin báo, tố giác tội phạm, tỷ lệ giải quyết đạt 89,5%... Phát hiện, xử lý 20.550 vụ tội phạm về kinh tế; 277 vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ; phát hiện, xử lý 24.548 vụ, bắt 36.404 đối tượng phạm tội ma túy.
Cũng trong năm 2020, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Theo thống kê, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý 185.461 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách Nhà nước 24.817 tỷ đồng, khởi tố hình sự 2.543 vụ việc.
Về nhiệm vụ năm 2021, BCĐ 138 tiếp tục đề ra mục tiêu tổ chức thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030, Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16-8-2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy và kiểm soát ma túy, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa và tấn công trấn áp tội phạm, góp phần bảo đảm an ninh - trật tự. Trong đó, đưa tỷ lệ điều tra, khám phá các loại tội phạm đạt trên 75%; bảo đảm 100% các tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị, khởi tố đều được thụ lý, tỷ lệ giải quyết trên 100%.
Với BCĐ 389, sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, đôn đốc công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; xây dựng, sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật; bồi dưỡng và nâng cao nghiệm vụ cho lực lượng để điều tra, phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, gian lận nguồn gốc xuất xứ, các vi phạm trong kinh doanh qua hình thức thương mại điện tử…
Tại hội nghị, đại biểu các ngành, địa phương đã tập trung thảo luận, đề xuất ý kiến, trao đổi các giải pháp, kinh nghiệm đấu tranh, phòng ngừa, kiềm chế tội phạm và tệ nạn xã hội; phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận tại hội nghị trực tuyến, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhận định: Trong bối cảnh đất nước gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, thiên tai, bão lũ, nhưng với sự vào cuộc tích cực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, đất nước ta đã thực hiện thành công "mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch vừa sản xuất. Kết quả đó có sự đóng góp quan trọng của BCĐ 138 và BCĐ 389 các cấp từ Trung ương đến địa phương.
Phó Thủ tướng đánh giá cao hoạt động phòng, chống tội phạm trên các lĩnh vực, nhất là điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế; phát hiện, xử lý vi phạm trong lĩnh vực quản lý đất đai, đầu tư công. Cơ quan chức năng đã đưa ra xét xử khách quan, nghiêm minh nhiều vụ án lớn, được dư luận đồng tình, đánh giá cao. Lực lượng trong BCĐ 389 cũng làm tốt công tác ổn định thị trường, chống sản xuất, kinh doanh hàng giả, nhất là chấn chỉnh nghiêm tình trạng đầu cơ, tăng giá đối với các mặt hàng phòng, chống dịch.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cũng chỉ rõ trong công tác phòng, chống tội phạm, một số trường hợp nắm thông tin còn chậm, gây nên tình trạng mất an ninh - trật tự, vẫn còn để xảy ra một số loại tội phạm nghiêm trọng; nhiều nơi còn để tội phạm liên quan đến “bảo kê”, “tín dụng đen” kéo theo tình trạng siết nợ, đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật, gây hoang mang trong quần chúng Nhân dân…
Trong bối cảnh mới, nhận định tình hình tội phạm trên các lĩnh vực vẫn diễn biến phức tạp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu các ngành, địa phương, lực lượng chức năng trên cơ sở nhiệm vụ được giao cần tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, chương trình của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phòng, chống các loại tội phạm. Trong đó, cần đặc biệt tập trung đấu tranh có hiệu quả đối với các loại tội phạm, như: Tội phạm có tổ chức, tội phạm sử dụng vũ khí, vật liệu nổ gây án, tội phạm xâm hại trẻ em, tội phạm mua bán người, tội phạm buôn lậu, vi phạm pháp luật về môi trường, tội phạm sử dụng công nghệ cao...
Với công tác chống buôn lậu, cần tăng cường công tác nắm tình hình địa bàn, phát hiện các vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, không để thành điểm nóng phức tạp, kéo dài và xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu nếu để xảy ra các vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nghiêm trọng.
Sau hội nghị trực tuyến của Chính phủ, ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã triển khai một số nhiệm vụ của BCĐ 138 quốc gia và BCĐ 389 tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang đề nghị BCĐ 138 quốc gia và BCĐ 389 tỉnh Thanh Hóa nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh kiện toàn bộ máy các ban chỉ đạo cho phù hợp cơ cấu và đáp ứng điều kiện trong tình hình mới. Phối hợp thực hiện tốt các đề án trong phòng, chống, trấn áp tội phạm và chống buôn lậu.
Tập trung đấu tranh kiểm soát tốt tệ nạn xã hội. Đa dạng hóa các hình thức và đẩy mạnh tuyên truyền Nhân dân chấp hành pháp luật. Phát huy hiệu quả việc tiếp nhận thông tin tội phạm thông qua đường dây nóng, bảo đảm thông tin được tiếp nhận nhanh và xử lý kịp thời. Đặc biệt, các ngành, lực lượng cần tập trung kiểm tra, xử lý kịp thời tình hình buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Khánh Dương