Theo đó, BCĐ 389/QG yêu cầu BCĐ 389 các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, lực lượng theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, quán triệt, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện kịp thời, nghiêm túc, hiệu quả, Chỉ thị số 15/CT-TTg, thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về vật tư nông nghiệp theo quy định của pháp luật; chủ động phối hợp các lực lượng tăng cường công tác thanh kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, SXKD, XNK trái phép các loại vật tư nông nghiệp là hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Tăng cường quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp - Hình 1

Tiêu hủy phân bón giả - Ảnh minh họa

Đồng thời, giao Văn phòng thường trực BCĐ 389/QG chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng nghiên cứu, xây dựng kế hoạch chuyên đề về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, SXKD phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng trình Trưởng BCĐ 389/QG ký ban hành.

Trước thực trạng, buôn lậu, SXKD, XNK trái phép vật tư nông nghiệp là hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ... diễn ra phức tạp ở nhiều địa phương. Ngày 24/4/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 15/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trong quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, tạo bước chuyển biến tích cực trong công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp.

Cụ thể, Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của ngành. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thanh tra, kiểm tra đột xuất việc chấp hành pháp luật về SXKD, chất lượng vật tư nông nghiệp. Xử lý dứt điểm các điểm nóng sản xuất, NK, kinh doanh, sử dụng Salbutamol, Aurmine, Cysteamine và các hóa chất, kháng sinh khác trong danh mục hóa chất, kháng sinh cấm NK, SXKD và sử dụng trong chăn nuôi, thủy sản tại Việt Nam.

Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, công an các địa phương tăng cường nắm tình hình về SXKD vật tư nông nghiệp. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý theo quy định của pháp luật đối với các hành vi SXKD vật tư nông nghiệp là hàng giả, hàng kém chất lượng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Bộ Công thương chỉ đạo lực lượng QLTT phối hợp với các cơ quan liên quan trên địa bàn tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh vật tư nông nghiệp lưu thông trên thị trường theo quy định của pháp luật. Chú trọng kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm đối với hàng lậu, hàng giả và các hành vi gian lận thương mại.

Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành, địa phương phân bổ kinh phí trong dự toán NSNN cho công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp trên thị trường. Chỉ đạo Tổng cục Hải quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới các loại vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Bộ TT-TT, các cơ quan thông tấn, báo chí phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, lực lượng chức năng đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các tổ chức, cá nhân SXKD, sử dụng vật tư nông nghiệp. Công khai các tổ chức, cá nhân vi phạm.

BCĐ 389/QG chỉ đạo lực lượng 389 của các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng thành viên phối hợp tăng cường lực lượng kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn, xử lý nghiêm nhập lậu, kinh doanh vật tư nông nghiệp không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đồng thời, xây dựng và triển khai kế hoạch chuyên đề về đấu tranh chống buôn lậu, SXKD phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm bảo đảm chất lượng vật tư nông nghiệp trên địa bàn. Xác định việc quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết cần tập trung chỉ đạo quyết liệt hơn...

Hà Thu