Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 22.963 tỷ đồng

Tính đến tháng 6 năm 2021, toàn ngành thuế thực hiện được 32.209 cuộc thanh tra, kiểm tra, bằng 110% so với cùng kỳ năm 2020. Kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế được 323.206 hồ sơ khai thuế, bằng 114,93% so với cùng kỳ năm 2020.

Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 22.963 tỷ đồng, trong đó: Số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 4.935 tỷ đồng, giảm khấu trừ là 828 tỷ đồng, giảm lỗ là 17.200  tỷ đồng. Một số cuộc thanh tra có số thu lớn như: Công ty TNHH MTV quản lý và phát triển nhà Hà Nội, truy thu 112,8 tỷ đồng; Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam, truy thu 138 tỷ đồng; hoặc điều chỉnh giảm lỗ như: Công ty TNHH Hòa Bình, truy thu 5,14 tỷ đồng, giảm lỗ 240 tỷ đồng; Công ty cổ phần Lilama 3, giảm lỗ 168 tỷ đồng...

Số doanh nghiệp (DN) được thanh tra là 1.670 DN bằng 106,1% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua Thanh tra là 5.603 tỷ đồng gồm: Truy thu, truy hoàn, phạt là 1.528 tỷ đồng; giảm khấu trừ 159 tỷ đồng; giảm lỗ là 3.917 tỷ đồng;

Số DN được kiểm tra là 30.539 DN bằng 110,23% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua kiểm tra là 16.761 gồm: Truy thu, truy hoàn, phạt là 3.252 tỷ đồng; giảm khấu trừ là 576 tỷ đồng; giảm lỗ 12.933 tỷ đồng;

Kiểm tra được 323.206 hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan thuế, bằng 114,93% so với cùng kỳ năm 2020; Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua kiểm tra là 599 tỷ đồng gồm: Xử lý điều chỉnh thu vào ngân sách 155 tỷ đồng; giảm khấu trừ là 94 tỷ đồng; giảm lỗ 350 tỷ đồng.

Thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT), 6 tháng thực hiện được 2.136 cuộc, tổng số tiền hoàn là 18.225 tỷ đồng (trong đó, số quyết định ban hành trong năm 2021 là 195 quyết định, với tổng số tiền hoàn là 2.119 tỷ đồng; số quyết định ban hành trước năm 2021 là 1.941 quyết định, tổng số tiền hoàn là 16.106 tỷ đồng). Tổng số thuế truy hoàn và phạt là 482 tỷ đồng.

Về thanh tra, kiểm tra chống chuyển giá, trong những tháng đầu năm, toàn ngành đã thanh tra, kiểm tra được 90 DN có hoạt động giao dịch liên kết, tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra đạt trên 1.901 tỷ đồng. Trong đó thanh tra, kiểm tra xác định lại giá thị trường đối với giao dịch liên kết, đã kiến nghị xử lý 1.519 tỷ đồng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nâng cao hiệu quả công tác thu nợ, xử lý nợ thuế

Để thực hiện hiệu quả công tác thu hồi, xử lý nợ thuế năm 2021, Tổng cục Thuế đã xây dựng và giao chỉ tiêu thu nợ thuế đến từng Cục Thuế, giao tổng số tiền thuế nợ không vượt quá 5% so với tổng số thực thu ngân sách năm 2021; thu tối thiểu 80% các khoản tiền thuế nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày thời điểm 31/12/2020; phấn đấu đến 31/12/2021 hoàn thành việc xử lý khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 ngày 26/11/2019 của Quốc hội.

Chỉ đạo Cục Thuế rà soát, phân loại nợ, phân tích nguyên nhân nợ của từng người nộp thuế (NNT) nợ thuế, lập danh sách các DN, cá nhân nợ thuế theo từng nhóm nợ, nguyên nhân nợ, đặc biệt tập trung phân loại những NNT bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 và NNT không bị ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng nợ thuế để có biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho NNT và áp dụng các biện pháp xử lý nợ phù hợp đối với từng nhóm nợ, khoản nợ, từng đối tượng nợ thuế, đảm bảo công bằng trong việc chấp hành pháp luật thuế…

Thực hiện kiên quyết các biện pháp cưỡng chế đối với các trường hợp phải cưỡng chế nợ thuế hoặc phải chuyển sang biện pháp tiếp theo để thu hồi kịp thời tiền thuế nợ vào NSNN. Đồng thời, công khai thông tin NNT chây ỳ nợ thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo viết, báo hình Trung ương và địa phương, website ngành thuế) theo đúng quy định của pháp luật; xử lý kiên quyết các hành vi trốn thuế, gian lận thuế, chây ỳ, nợ thuế không thực hiện tốt nghĩa vụ thuế. Hàng tháng, Cục Thuế lập danh sách và công khai thông tin NNT nợ thuế trên địa bàn quản lý. Trong 6 tháng đầu năm 2021, toàn ngành thuế cũng đã phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí thực hiện công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và trên website của cơ quan Thuế đối với 62.666 NNT chây ỳ, nợ thuế không nộp tiền thuế đúng hạn với tổng số tiền thuế nợ là 67.620 tỷ đồng.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc xử lý nợ đọng thuế, trực tiếp chỉ đạo xử lý nợ đọng đối với các DN nợ lớn. Hàng tháng đánh giá tình hình thực hiện đôn đốc và thông báo bổ sung những trường hợp nợ mới phát sinh, nợ thuế tăng cao để Cục Thuế tổ chức đôn đốc thu kịp thời vào NSNN. Kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của cơ quan thuế các cấp và NNT trong việc xử lý nợ đọng thuế.

Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai các biện pháp nhằm hiện đại hóa công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, rà soát nâng cấp các báo cáo nợ thuế để đáp ứng yêu cầu quản lý; nâng cấp ứng dụng để khai thác các báo cáo nợ theo ngày; tạo thông báo nợ thuế và quyết định cưỡng chế nợ tự động trên hệ thống quản lý thuế tập trung và gửi NNT bằng phương thức điện tử, chữ ký số, đồng thời theo dõi giám sát tình hình thực hiện của NNT...

Kết quả, lũy kế đến 30/6/2021, toàn ngành Thuế thực hiện thu hồi nợ thuế ước đạt 16.302 tỷ đồng, bằng 54,2% chỉ tiêu thu nợ được giao, trong đó: Thu bằng biện pháp quản lý nợ là 11.012 tỷ đồng; thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ là 5.290 tỷ đồng.

Kết quả xử lý nợ theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 và Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14: Về khoanh nợ tiền thuế, tổng số tiền thuế nợ được khoanh nợ là 2.172 tỷ đồng. Trong đó: khoanh nợ theo Nghị quyết 94 là 1.783 tỷ đồng, khoanh nợ theo Luật Quản lý thuế là 389 tỷ đồng; Về xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tổng số tiền thuế, tiền chậm nộp được xóa là 1.470 tỷ đồng. Trong đó: xóa nợ tiền chậm nộp theo Nghị quyết 94 là 1.467 tỷ đồng; xóa nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp theo Luật Quản lý thuế là 3,5 tỷ đồng.

Tổng số tiền nợ thuế ngành thuế quản lý tính đến ngày 30/6/2021 là 115.983 tỷ đồng, giảm 4,8% so với cùng kỳ năm 2020. Nếu không kể số tiền thuế nợ đang xử lý (đang trình cấp có thẩm quyền xóa nợ, miễn giảm, gia hạn, nộp dần tiền thuế) và tiền thuế nợ đang khiếu nại, khiếu kiện thì tổng số tiền thuế nợ tính đến thời điểm 30/6/2021 là 105.315 tỷ đồng, giảm 7,1% so với cùng kỳ.

Nhiều giải pháp tăng cường quản lý thuế

Tại Hội nghị trực tuyến để sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021, theo đại diện Tổng cục Thuế, để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ công tác năm 2021, trong những tháng cuối năm, cơ quan thuế các cấp cần tập trung triển khai thực hiện một số nhóm giải pháp trọng tâm sau:

Trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và chưa thể thực hiện thanh tra, kiểm tra trực tiếp tại trụ sở NNT, cơ quan thuế các cấp cần tiếp tục tăng cường thực hiện công tác kiểm tra tại trụ sở Cơ quan thuế; không tổ chức kiểm tra định kỳ trong năm 2021 đối với các DN không có dấu hiệu vi phạm, để tạo điều kiện cho DN tập trung giải quyết khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với việc triển khai các cuộc thanh tra, kiểm tra thuộc kế hoạch năm 2021 đã được giao cần thực hiện phân tích dữ liệu, rà soát, ưu tiên triển khai sớm những DN có dấu hiệu rủi ro cao, có dư địa khai thác số thu lớn…, đồng thời việc thực hiện phải đảm bảo an toàn, phù hợp với diễn biến thực tế của dịch Covid-19.

Rà soát các nguồn thu còn dư địa, còn tiềm năng để khai thác tăng thu, bù đắp một phần số giảm thu ngân sách nhà nước (NSNN) do dịch bệnh Covid-19 gây ra như thu từ đất đai, tài nguyên, khoáng sản; Tăng cường kiểm soát các dự án hết thời gian ưu đãi thuế, các dự án mới phát sinh, các khoản truy thu theo kiến nghị của cơ quan Kiểm toán, Thanh tra;...

Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan công an, hải quan, quản lý thị trường để kiểm soát chặt chẽ về giá cả hàng hóa, quản lý hiệu quả hơn hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng internet, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, qua đó chống thất thu ngân sách, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng để khuyến khích, thu hút đầu tư trên địa bàn, tạo nguồn tăng thu cho NSNN.

Tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan như Bộ Công Thương, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố; Bộ Thông tin và Truyền thông, các Sở Thông tin và Truyền thông để tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu, nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng, dịch vụ viễn thông, internet...

Triển khai hiệu quả công tác quản lý thu nợ, tiếp tục thực hiện chuẩn hóa, phân loại nợ, thực hiện các biện pháp xử lý, thu nợ thuế theo quy định, cơ quan thuế các cấp cần tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp gồm:

Phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò của Ban chỉ đạo chống thất thu, thu hồi nợ đọng tại địa phương; phối hợp chặt chẽ, tranh thủ sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương trên địa bàn để cơ quan thuế và các ngành, các cấp cùng phối hợp trong việc thu hồi nợ đọng thuế. Tập trung thu hồi các khoản nợ liên quan đến đất của các dự án do chính quyền địa phương quản lý.

Thực hiện hiệu quả công tác xử lý nợ theo Nghị quyết 94 của Quốc hội, giảm tỷ lệ nợ đọng xuống dưới 5% tổng thu NSNN.

Tổ chức rà soát kịp thời đối với NNT không thuộc diện được gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất theo Nghị định số 52/2021/NĐ-CP để đôn đốc kịp thời NNT nộp đúng, đủ, kịp thời số thuế phải nộp vào NSNN; Rà soát đối với NNT thuộc đối tượng được gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất tuy nhiên còn nợ thuế để tổ chức đôn đốc, thuyết phục thu kịp thời tiền thuế nợ vào NSNN.

Hà Thu