Lực lượng Quản lý thị trường tập trung thảo luận những khó khăn, vướng mắc; đưa ra các giải pháp để phối hợp thực hiện có hiệu quả công tác quản lý thị trường, trong đó có chống hàng lậu, hàng giả những tháng cuối năm, nhất là dọc tuyến từ Huế trở ra.
Đây là yêu cầu của phó Tổng cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hoàng Ánh Dương tại cuộc họp đánh giá kết quả triển khai nhiệm vụ 9 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ của những tháng cuối năm của lực lượng Quản lý thị trường tổ chức ngày 19/10, tại Nghệ An.
Trong những tháng còn lại của năm 2022, Cục Quản lý thị trường đã đề ra các nhiệm vụ, thực hiện các công điện của Bộ trưởng Bộ Công Thương, công điện số 517/CĐ- BCT về tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu; tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường ảnh hưởng trong dịch bệnh Covid-19 và xung đột vũ trang ở Ukraina; tăng cường kiểm tra giám sát cung cầu hàng hoá, ổn định thị trường; Kiểm tra xử lý vi phạm đối với các mặt hàng xăng dầu, đường cát, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Tiếp đó, kế hoạch đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không có nguồn gốc xuất xứ và hàng hoá vi phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021- 2025; Sử dụng hệ thống xử lý vi phạm hành chính (INS), sổ nhật ký điện tử; thực hiện các chỉ tiêu đăng lý thi đua năm 2022 khen thưởng.
Ngoài ra, lực lượng quản lý thị trường phải bám sát chỉ đạo của lãnh đạo bộ và tổng cục, tình hình thực tiễn và trên từng địa bàn để xây dựng kế hoạch công tác, phân công trách nhiệm rõ ràng và và có cơ chế kiểm tra, giám sát nhằm nâng cao hiệu suất công tác và thực thi đầy đủ quyền hạn.
Cùng đó, toàn lực lượng phải làm tốt công tác truyền thông, tranh thủ sự ủng hộ của người dân với ngành; làm tốt công tác thông tin nội bộ với những kinh nghiệm hay, bài học quý; hoàn thiện quy hoạch cán bộ quản lý các cấp, siết kỷ luật hành chính, xử lý các sai phạm.
Theo báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường, đầu năm 2022 dịch bệnh COVID-19 cơ bản được kiểm soát, số vụ việc vi phạm liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh các mặt hàng phục vụ phòng chống dịch như khẩu trang, găng tay, thuốc phòng, chữa bệnh, test thử nhanh COVID-19... cũng giảm mạnh.
Tuy nhiên, nhóm hành vi vi phạm trong kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả, vi phạm sở hữu công nghiệp, an toàn thực phẩm lại có xu hướng gia tăng về cả số vụ và trị giá hàng hóa tịch.
Nhóm mặt hàng vi phạm chủ yếu do lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra, xử lý là thuốc lá điếu, thực phẩm (đường cát), mỹ phẩm, phân bón, đồ may mặc, đồ chơi trẻ em…
Bên cạnh đó, lực lượng Quản lý thị trường đã chủ động xây dựng phương án, kế hoạch đấu tranh và tăng cường phối hợp trong kiểm tra, kiểm soát thị trường, chú trọng ngăn chặn từ xa... Nhờ đó, trật tự thị trường cơ bản được đảm bảo, không xảy ra những vụ việc nổi cộm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Nhận định công tác buôn lậu, gian lận thương mại những tháng cuối năm còn nhiều diễn biến phức tạp, vì vậy ông Hoàng Ánh Dương cho biết, lực lượng Quản lý thị trường sẽ tập trung kiểm tra, kiểm soát một số mặt hàng chủ lực, đấu tranh với buôn lậu, hàng giả, an toàn thực phẩm; hàng giả, hàng nhái.
Đặc biệt, chú trọng kiểm tra hàng hóa trong dịp Tết Dương lịch và Tết Âm lịch cũng như kiểm soát hàng hóa trên môi trường thương mại điện tử, trên mạng xã hội.
Bên cạnh việc kiểm tra tình trạng găm hàng, bán hàng không đúng giá... lực lượng Quản lý thị trường tập trung phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra về chất lượng xăng dầu.
PV