Quang cảnh buổi hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Thanh Đàm, Trưởng phòng Hợp tác Đa phương - Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT) cho biết:
"Hợp tác GMS là hợp tác do ADB khởi xướng từ năm 1992, gồm 6 nước trong khu vực tiểu vùng sông Mê Công mở rộng. Hoạt động của khuôn khổ hợp tác này tập trung vào 6 lĩnh vực: Giao thông, thương mại - du lịch, năng lượng, nông nghiệp, môi trường và phát triển nguồn nhân lực.
Trong hợp tác nông nghiệp, ADB là cơ quan dẫn dắt và huy động nguồn lực để tài trợ cho các hoạt động hợp tác. Hội thảo, nằm trong khuôn khổ của Dự án “Hỗ trợ thực hiện chương trình Nông nghiệp then chốt” được ADB hỗ trợ thực hiện.
Đây là dự án hỗ trợ nguồn lực để xây dựng nên chiến lược tiểu vùng sông Mê Công mở rộng, nội dung truy xuất nguồn gốc là một trong những nội dung ưu tiên của chiến lược này. Hội thảo hôm nay sẽ là dịp để chúng ta trao đổi, thảo luận và mục tiêu cuối cùng là thí điểm việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm theo mã số mã vạch (MSMV)".
Truy xuất là một yếu tố then chốt trong việc tăng cường các chuỗi giá trị và xây dựng lòng tin với chuỗi giá trị và sản phẩm trong đó thông qua việc tuân thủ các quy định của ngành hàng.
Truy xuất nguồn gốc, giúp chúng ta nhận được thông tin xác thực về sản phẩm tại tất cả các khâu trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ; cho biết liệu đơn vị cung cấp có nỗ lực trong việc tạo ra sản phẩm có chất lượng cao hay sản phẩm có được kiểm soát chất lượng một cách nghiêm túc trong toàn bộ quá trình... Bên cạnh đó, xác định nguồn gốc là yêu cầu pháp lý đối với hầu hết các sản phẩm nhập khẩu.
Tại hội thảo, ông Trần Văn Vinh, Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cho biết, việc truy xuất nguồn gốc là một vấn đề hết sức quan trọng. Ở các nước tiên tiến, người tiêu dùng coi đây là một yêu cầu quan trọng. Nếu chúng ta muốn khẳng định chất lượng sản phẩm hàng hóa tốt, đặc biệt là thực phẩm có ảnh hưởng trực tiếp đến con người, thì truy xuất nguồn gốc là một yêu cầu không thể thiếu.
Thời gian qua, truy xuất nguồn gốc đã được nhắc đến rất nhiều, khi sản phẩm hàng hóa được truy xuất theo GS1 thì khi ra nước ngoài và khi trở thành đầu vào của đơn vị nào đó thì sẽ truy xuất và kết nối vì nó đã có một chuẩn mực.
Áp dụng MSMV GS1 sẽ giúp việc thông tin truy xuất nhanh, chính xác; giúp doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng và ảnh hưởng, giải quyết khó khăn trong việc xác định nguồn gốc như cung cấp cho người dùng một cách tạo mã toàn cầu như: lô sản xuất, số xê - ri, quản lý được sản phẩm trong quá trình phân phối, tăng tốc độ chính xác và giảm chi phí.
Khi tất cả các bên cùng tham gia dự án này thì tất cả các bên cùng chung một ngôn ngữ để mô tả sản phẩm giúp được sự tuân thủ trong chuỗi cung ứng.
Ông Patrik Jonasson, Director Public Policy Asia - Pacific, Văn phòng GS1 Toàn cầu cho biết: “Đối với người tiêu dùng, họ cần niềm tin và một trong những cách để người tiêu dùng tin tưởng sản phẩm của công ty là áp dụng truy xuất nguồn gốc sản phẩm, một sản phẩm thật thì có thể truy xuất nguồn gốc từ đầu đến cuối của chuỗi cung ứng”.
Tại hội thảo, có sự đóng góp, chia sẻ ý kiến từ các công ty, doanh nghiệp về những thuận lợi, cũng như một số vướng mắc trong quá trình thực hiện truy xuất nguồn gốc trong giai đoạn hiện nay.
Đỗ Uyên