Theo đó, TP. Hồ Chí Minh đặt mục tiêu giai đoạn 2024 - 2025, giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 39%; nhóm nữ từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 1,4%.
Giảm tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá tại nơi làm việc xuống dưới 30%; tại nhà hàng xuống dưới 75%; tại quán bar, cà phê xuống dưới 80%; tại khách sạn xuống dưới 60%. Ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá khác trong cộng đồng.
Giai đoạn 2026 - 2030, giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 36%; nhóm nữ từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 1%. Giảm tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá tại nơi làm việc xuống dưới 25%; tại nhà hàng xuống dưới 65%; tại quán bar, cà phê xuống dưới 70%, tại khách sạn xuống dưới 50%. Tiếp tục ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng.
Để thực hiện mục tiêu trên, TP. Hồ Chí Minh thực hiện các quy định về ngăn ngừa các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng; việc bán thuốc lá cho trẻ vị thành niên hoặc trẻ vị thành niên bán thuốc lá theo Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế Thế giới.
Tăng cường thực hiện các biện pháp xử phạt đối với hành vi vi phạm các quy định về phòng, chống tác hại của thuốc lá, đặc biệt là hành vi hút thuốc lá tại các địa điểm có quy định cấm.
Đồng thời, thực hiện các quy định của pháp luật về cấm quảng cáo, khuyến mại các sản phẩm thuốc lá, trong đó có các hình thức quảng cáo, khuyến mại trực tuyến trên nền tảng kỹ thuật số, mạng internet. Kiểm soát chặt chẽ hoạt động bán buôn, bán lẻ các sản phẩm thuốc lá; tăng cường xử phạt các hành vi vi phạm về kinh doanh các sản phẩm thuốc lá.
Bên cạnh đó, tăng cường lực lượng, xây dựng cơ chế, kế hoạch phối hợp liên ngành trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá. Thành lập các đoàn thanh kiểm tra liên ngành các cấp, kiểm tra các hành vi vi phạm.
Năm 2022, lực lượng QLTT kiểm tra hơn 2.190 vụ, số vụ xử lý trên 1.600 vụ, số lượng bao thuốc và tương đương xử lý trên 126.000 bao; số lượng thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng trên 10.000 sản phẩm các loại; tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là trên 7,7 tỷ đồng.
Năm 2023, với thuốc lá nhập lậu, lực lượng QLTT kiểm tra 1.743 vụ, phát hiện vi phạm xử lý 1.500 vụ, thu nộp ngân sách 7,154 tỷ đồng. Đối với thuốc lá thế hệ mới, lực lượng QLTT kiểm tra 303 vụ, phát hiện vi phạm xử lý 296 vụ, thu nộp ngân sách 3,959 tỷ đồng.
Thống kê sơ bộ trong quý I/2024, ước tính lực lượng QLTT kiểm tra 451 vụ, phát hiện vi phạm xử lý 379 vụ, thu nộp ngân sách hơn 1,8 tỷ đồng. Đối với thuốc lá thế hệ mới kiểm tra 74 vụ, phát hiện vi phạm xử lý 71 vụ, thu nộp ngân sách hơn 1,2 tỷ đồng…
Hoàng Bách(t/h)