Từ ngày 16/3, giá điện sẽ tăng 7,5% khiến các DN có lượng tiêu thụ điện năng lớn đang phải tính lại bài toán chi phí sản xuất, kinh doanh để điều chỉnh giá bán cho phù hợp. Còn người tiêu dùng thì trăm thứ thiệt thòi đổ lên đầu.
Doanh nghiệp lo “sốt vó”
Giá điện tăng cao khiến các DNSXKD vật liệu xây dựng như sắt, thép, xi măng lo “sốt vó”. Nhiều DN khẳng định dù biết giá điện sẽ tăng, nhưng không thể xoay xở điều chỉnh kịp kế hoạch SXKD với thời gian chỉ có 10 ngày. Những tháng đầu năm, thị trường BĐS dường như đóng băng, vật liệu xây dựng chỉ sản xuất cầm chừng. Vì vậy, bài toán cân bằng thu - chi để duy trì sản xuất khiến nhiều DN đau đầu.
Tăng giá điện người tiêu dùng "lãnh" đủ
Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, theo giá cũ, mỗi tháng các nhà máy sản xuất thép phải chi 7 - 8 tỷ đồng tiền điện; nhưng nay, đội lên đến gần 10 tỷ đồng, thậm chí cao hơn. Và các DN buộc phải tính lại giá thành kinh doanh.
Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) cũng cho hay, cả ngành còn khoảng 8 - 9 triệu tấn xi măng được sản xuất từ các nhà máy thuộc dòng công nghệ tiêu tốn điện năng. Tăng giá, ngành điện có thể thu thêm vài trăm tỷ đồng, ngược lại, ngành xi măng mất đi từng đó. Trong khi ngành xi măng không thể tăng giá bán vì hiện cung đang vượt cầu, xuất khẩu không ổn định.
Ngành điện tăng giá đột ngột - đã làm đảo lộn kế hoạch SXKD của nhiều đơn vị thuộc Vicem, nhiều DN đã lỗ nay càng lỗ hơn.
Việc giá điện tăng 7,5% cũng ảnh hưởng rất lớn tới đầu vào của các DN giầy da, tác động dây chuyền tới các mặt hàng khác, kéo theo các sản phẩm tăng giá theo, dẫn tới lợi nhuận giảm. Các DN giầy da vừa phục hồi sản xuất từ cuối năm 2014, việc tăng giá điện thực sự là bài toán khó.
Giá điện tăng còn ảnh hưởng trực tiếp đến ngành thủy sản. Bởi, khi điện tăng giá - sẽ đội giá thành sản phẩm thêm 1-2%, làm giảm sức cạnh tranh trên thị trường vốn đang có nhiều bất lợi.
Người dân khốn khó
Trước thông tin, ngày 16/3 giá điện sẽ tăng, hàng loạt siêu thị trên địa bàn TP. Hà Nội rậm rịch điều chỉnh lại việc kinh doanh, tăng giá sản phẩm.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Phó giám đốc Siêu thị Coopmart Hà Đông Cho biết: “Hệ thống điện trong siêu thị chạy cả ngày và đêm, mỗi tháng phải trả hơn 600 triệu đồng tiền điện. Nếu giá điện tăng 7,5% thì giá bán các mặt hàng sẽ điều chỉnh tăng tương ứng. Trong khi sức mua yếu, siêu thị nội đang phải oằn mình cạnh tranh với siêu thị ngoại thì với giá điện tăng, chúng tôi phải chấp nhận chịu lỗ thời gian đầu. Điều chúng tôi lo lắng nhất là các đơn vị sản xuất sản phẩm sẽ tăng chi phí đầu vào. Như vậy, giá các mặt hàng chắc chắn sẽ tăng trong thời gian tới”.
Ông Trịnh Cẩm Phong, Trưởng phòng Hành chính Siêu thị Lotte Đống Đa (Hà Nội) chia sẻ: “Mỗi tháng, siêu thị trả gần 1 tỷ đồng tiền điện. Thực sự, chúng tôi chưa hề biết thông tin sẽ tăng giá điện sau 10 ngày nữa. Với mức tăng mới, khiến mỗi tháng chúng tôi phải trả thêm gần 100 triệu đồng tiền điện, một con số không nhỏ đối với một siêu thị mới thành lập. Chúng tôi sẽ cân nhắc việc tăng giá bán các mặt hàng ở mức người tiêu dùng có thể chấp nhận được”.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho biết, nếu EVN thực hiện yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ giảm bớt hao hụt đường dây, nâng cao năng suất lao động, giảm biên chế, sẽ bớt lỗ. Làm được như vậy, giá điện sẽ ít bị tăng. Với giá điện được điều chỉnh tăng 7,5% (tương ứng với giá bán điện bình quân 1.622,05 đồng/kWh), sẽ làm tăng chi phí đầu vào của các DN sản xuất, nhất là các DN sử dụng nhiều điện. Ngoài ra, việc tăng giá điện cũng sẽ làm tăng thêm chi phí của người dân và góp phần làm tăng chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 3/2015 và các tháng tiếp theo.
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận xét: “Hiện có những sai lệch trong điều hành về giá điện. Vấn đề không phải tăng bao nhiêu mà ở chỗ cách thức họ muốn tăng giá. Bộ Công Thương bảo vệ đề xuất tăng giá của EVN, thay vì bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng. Cuối cùng thì người dân và DN sẽ phải gánh chịu lợi thế độc quyền của EVN”.
Thiên Đức - Duy Thế