Sự kiện được tổ chức nhằm giúp Ban chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố đánh giá tổng quan tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử và đưa ra các giải pháp đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động này.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Lê Thanh Hải cho biết:
Hiện nay, hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả qua thương mại điện tử ngày càng tinh vi, phức tạp. Để chủ động phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm, góp phần làm trong sạch môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho thương mại phát triển bền vững, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã ban hành Kế hoạch số 399/KH-BCĐ389, ngày 10/10/2020 về tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử. Đồng thời, Ban chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố cũng ban hành các kế hoạch triển khai thực hiện nội dung trên.
Qua thời gian triển khai kế hoạch, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia nhận thấy, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử là nhiệm vụ mới, phức tạp, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần nhận thức rõ bản chất của hoạt động này và nhận diện đúng các hành vi vi phạm để có kế hoạch ngăn chặn kịp thời các vi phạm.
“Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia hy vọng hội nghị sẽ cung cấp các thông tin hữu ích, chọn lọc, cập nhật các kinh nghiệm trong việc phát hiện, đấu tranh, xử lý các vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử”, ông Lê Thanh Hải nhấn mạnh.
Tại Hội nghị, Trưởng phòng quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương), Nguyễn Hữu Tuấn đã giới thiệu tổng quan tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử và đưa ra một số đánh giá về hành vi vi phạm chủ yếu trong hoạt động này.
Đồng thời, đại diện các đơn vị đều đánh giá, thương mại điện tử là xu hướng phát triển tất yếu, ngày càng tăng trưởng mạnh mẽ trên toàn cầu. Bên cạnh sự phát triển đó, các cơ quan chức năng cũng nhận thấy nguy cơ các đối tượng lợi dụng việc kinh doanh để gian lận thương mại. Việc hoàn thiện các quy định về thủ tục kiểm tra, chính sách mặt hàng, chính sách thuế là cần thiết để tăng cường hoạt động quản lý nhà nước đối với lĩnh vực thương mại điện tử trong thời gian tới.
Phát triển thương mại điện tử đồng nghĩa với việc kiểm soát thị trường sẽ gặp nhiều bất lợi vì đa số các gian hàng trên mạng là gian hàng ảo, địa chỉ không rõ ràng, khiến công tác kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn.
Thời gian tới, để đảm bảo hiệu quả trong công tác thu thập thông tin, điều tra xử lý, các lực lượng Ban chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị được giao nhiệm vụ. Xây dựng kế hoạch cụ thể chi tiết, phân công rõ vai trò trách nhiệm của từng lực lượng tham gia công tác điều tra xử lý.
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia sẽ là đầu mối để tiếp nhận những đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và sẽ có những hỗ trợ, giải đáp cho các địa phương trong việc thực hiện chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử.
Nguyễn Kiên