Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, sản xuất nông, lâm, thủy sản quý III và 9 tháng đầu năm 2023 duy trì tăng trưởng ổn định. Trong đó nổi bật là sản xuất lúa vụ đông xuân và hè thu thuận lợi, được mùa được giá; sản lượng một số cây lâu năm tăng so với cùng kỳ năm trước nuôi trồng thủy sản hiệu quả nhờ tập trung nuôi thâm canh, siêu thâm canh và ứng dụng công nghệ cao.
Đối với sản xuất lúa, tính đến trung tuần tháng 9, diện tích gieo cấy lúa mùa cả nước đạt 1.492,5 nghìn ha, bằng 99,2% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía bắc đạt 1.005,6 nghìn ha, bằng 98,3%, các địa phương phía nam đạt 486,9 nghìn ha, bằng 101,1%.
Vụ lúa hè thu năm nay cả nước gieo cấy được 1.911,7 nghìn ha, giảm 2,8 nghìn ha so với vụ hè thu năm trước. Tính đến ngày 15/09/2023, các địa phương đã thu hoạch được 1.786,3 nghìn ha lúa hè thu, chiếm 93,4% diện tích gieo cấy và bằng 94,8% cùng kỳ năm trước; năng suất ước đạt 57,6 tạ/ha, tăng 0,1 tạ/ha; sản lượng đạt 11 triệu tấn, tăng 173 nghìn tấn. Đến giữa tháng 9, vùng đồng bằng sông Cửu Long gieo cấy được 604,2 nghìn ha lúa thu đông, bằng 105% cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh lúa, trong 9 tháng năm 2023, sản lượng thu hoạch một số cây công nghiệp chủ yếu tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó: chè búp đạt 904,6 nghìn tấn, tăng 2,7%; cao su đạt 873,4 nghìn tấn, tăng 2,3%; dừa đạt 1.483,1 nghìn tấn, tăng 6,3%; điều đạt 358,3 nghìn tấn, tăng 5,4%.
Chăn nuôi trâu, bò trong 9 tháng năm 2023 phát triển ổn định; chăn nuôi lợn và gia cầm bảo đảm nguồn cung cho thị trường; dịch bệnh được kiểm soát.
Đối với lĩnh vực thủy sản, sản lượng thủy sản quý III/2023 ước đạt 2.520,2 nghìn tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2023, sản lượng thủy sản ước đạt 6.796,7 nghìn tấn, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 3.792,5 nghìn tấn, tăng 3,6%; sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 3.004,2 nghìn tấn, tăng 0,4%.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính chung 9 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 38,48 tỷ USD. Trong đó, nhóm thuỷ sản đạt 6,64 tỷ USD, giảm 21,7%; lâm sản 10,44 tỷ USD, giảm 20,6%; đầu vào sản xuất 1,49 tỷ USD, giảm 20,2%. Riêng nhóm nông sản và chăn nuôi có giá trị tăng; trong đó nông sản đạt 19,54 tỷ USD, tăng 16,7% (đóng góp bởi giá trị xuất khẩu nhóm hàng rau quả 4,2 tỷ USD, tăng 71,8%; gạo 3,66 tỷ USD, tăng 40,4%; hạt điều 2,61 tỷ USD, tăng 14,3%; cà- phê 3,16 tỷ USD, tăng 1,9%) và sản phẩm chăn nuôi ước đạt 369 triệu USD, tăng 26,4%.
Để đạt mục tiêu xuất khẩu 54- 55 tỷ USD cả năm 2023, cần gia tăng sản xuất nông nghiệp những tháng cuối năm để bảo đảm nguồn cung hàng hóa. Theo Cục trưởng Trồng trọt Nguyễn Như Cường, mặc dù diện tích lúa hè thu năm nay giảm nhưng năng suất lại tăng nên sản lượng vẫn tăng so với vụ hè thu năm trước. Đây là nguồn cung quan trọng phục vụ cho hoạt động xuất khẩu gạo, nhất là trong bối cảnh giá gạo xuất khẩu tăng cao như thời gian vừa qua.
Thời gian tới, Cục Trồng trọt tiếp tục theo dõi sát tình hình thời tiết khí tượng, thủy văn để chỉ đạo thời vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp; đặc biệt lưu ý bảo đảm nguồn nước cho sản xuất lúa tại các tỉnh Bắc Trung Bộ và tăng cường công tác bảo vệ thực vật.
Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi cũng tăng cường chỉ đạo, kiểm tra tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển chăn nuôi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm; tăng cường chỉ đạo nhân rộng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, VietGAP, chăn nuôi theo hướng hữu cơ, kinh tế tuần hoàn...
Tâm An (t/h)