Tây Ninh là tỉnh biên giới giáp nước bạn Campuchia với đường biên giới dài 240km. Tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gần các địa phương phát triển như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước, Long An… Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam với số dân hơn 1,1 triệu người; có đường biên giới dài 240km giáp với ba tỉnh thuộc Vương quốc Cam-pu-chia với 16 cửa khẩu, trong đó có hai cửa khẩu quốc tế (Mộc Bài và Xa Mát) kết nối TP Hồ Chí Minh với thủ đô Phnôm Pênh, (Cam-pu-chia) Tây Ninh còn nằm trên tuyến đường xuyên Á đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức tua, tuyến du lịch, đưa đón du khách từ Việt Nam sang Cam-pu-chia, các nước ASEAN và ngược lại. Nhìn chung, tài nguyên du lịch của Tây Ninh phong phú và đa dạng, hội đủ yếu tố để phát triển các loại hình du lịch truyền thống, tâm linh, sinh thái, mạo hiểm, với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu ôn hòa.

Tây Ninh: Tìm giải pháp phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn - Hình 1

Hồ Dầu Tiếng, điểm đến hấp dẫn ở Tây Ninh. 

Lượng khách du lịch đến Tây Ninh tăng liên tiếp trong nhiều năm trở lại đây. Mỗi năm, ngành du lịch của tỉnh đón từ 2,2 đến 2,7 triệu khách du lịch trong nước và nước ngoài, doanh thu từ du lịch tăng trưởng hơn 10%/năm,... Đây là một con số đáng mơ ước đối với nhiều địa phương khác. Tuy nhiên, phân tích kỹ, con số ấn tượng này không phản ánh đúng thực chất những sản phẩm, chất lượng du lịch mà Tây Ninh tạo ra trong cách làm du lịch bởi doanh thu từ du lịch năm 2016 của tỉnh chỉ đạt 770 tỷ đồng, chỉ bằng khoảng một phần ba so với doanh thu một năm của khu du lịch Bà Nà (Đà Nẵng). Có thể khẳng định, tổng doanh thu của ngành du lịch Tây Ninh có được chủ yếu đến từ các loại hình du lịch tâm linh tại khu du lịch quốc gia núi Bà Đen, Tòa thánh Cao Đài,… vào các dịp lễ hội đầu năm.

Và nói về Tây Ninh, người ta thường nhắc đến những địa danh như: Núi Bà Đen, Khu di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục miền nam; Tòa thánh đạo Cao Đài; những món ăn như: Bánh tráng phơi sương, muối tôm,… Ở Tây Ninh không chỉ có khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen, Tòa thánh Tây Ninh, hồ Dầu Tiếng, tháp cổ thuộc nền văn hóa Óc Eo, sông Vàm Cỏ Đông…  Ngoài ra, Tây Ninh khá nổi tiếng với những địa danh như Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát, Ma Thiên Lãnh - một “Đà Lạt” của Tây Ninh, với vẻ đẹp trong lành, hoang sơ.

Tỉnh Tây Ninh đã có chủ trương, chính sách tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, trở thành mũi nhọn trong tương lai. Trong đó, trọng tâm phát triển du lịch tâm linh, kết hợp nghỉ dưỡng, gắn với phát triển nông nghiệp bền vững.

Năm 2013, Tây Ninh ban hành Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, trong đó đặt ra những mục tiêu cụ thể: Phát triển các sản phẩm du lịch có thế mạnh như, sản phẩm du lịch gắn với lễ hội và tín ngưỡng; sản phẩm du lịch gắn liền với di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh và các công trình văn hóa; sản phẩm du lịch sinh thái gắn với hệ sinh thái vườn quốc gia, đồng quê, miệt vườn; sản phẩm du lịch làng nghề; sản phẩm du lịch thương mại, công vụ; sản phẩm gắn liền với loại hình du lịch thăm thân, khám chữa bệnh; sản phẩm ẩm thực Tây Ninh.

Cùng theo mục tiêu đề ra, đến năm 2020, tỉnh đón khoảng 2,2 triệu lượt khách có lưu trú (trong đó khách quốc tế khoảng 16 nghìn lượt) và 4,1 triệu lượt khách tham quan. Giai đoạn 2016 - 2020: Tốc độ tăng trưởng doanh thu là 17,2%, tổng thu từ khách du lịch là 2.296 tỷ đồng; thu nhập du lịch (GDP du lịch) là 1.607 tỷ đồng; cơ sở lưu trú từ ba sao trở lên có 220 phòng; giải quyết được khoảng 7.400 người làm việc liên quan ngành du lịch, trong đó lao động trực tiếp khoảng 2.600 người, lao động gián tiếp của xã hội là khoảng 4.800 người. Trong giai đoạn 2021 - 2030: giải quyết được khoảng 21 nghìn người làm việc liên quan ngành du lịch, trong đó lao động trực tiếp khoảng 7.000 người, lao động gián tiếp của xã hội khoảng 14 nghìn người,...

Đến thời điểm hiện tại, Tây Ninh đang cho thấy những động thái quyết tâm rất lớn để vực dậy ngành du lịch của tỉnh nhà.

Tại buổi tọa đàm, tham luận được tổ chức ngày 27/10 mới đây các đại biểu cho rằng, tỉnh Tây Ninh có nhiều tiềm năng khai thác, phát triển du lịch nhưng hiện nay tỉnh còn gặp nhiều hạn chế như thiếu tính chuyên nghiệp, sản phẩm chưa đa dạng, thiếu sự kết nối các điểm đến… Các đại biểu cho rằng, để phát triển du lịch thì Tây Ninh cần khai thác, phát huy thế mạnh sẵn có về điều kiện tự nhiên, sản phẩm đã có uy tín như núi, vườn quốc gia hay ẩm thực.

Tây Ninh: Tìm giải pháp phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn - Hình 2

Các đại biểu chủ trì buổi tọa đàm.

 Tỉnh cần có quy hoạch, đề án cụ thể về phát triển du lịch, nêu rõ vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và hộ dân cùng cộng đồng trách nhiệm làm du lịch, kêu gọi đầu tư, tổ chức các tuyến, điểm đến du lịch có điểm nhấn ấn tượng, tăng tính trải nghiệm cho du khách. Tỉnh có thể quy hoạch, phát triển các loại hình văn hóa nghệ thuật, văn hóa cộng đồng các dân tộc, làm tốt dịch vụ… để thu hút du khách đến với Tây Ninh, lưu trú và mua sắm. Tỉnh cần nghiên cứu liên kết sản phẩm du lịch với các địa phương lân cận, xây dựng Tây Ninh trở thành một điểm đến hấp dẫn trong các tuyến du lịch.

Hải Đăng