Nhà máy Tanifood có vị trí nằm ở mặt tiền Quốc lộ 22B, xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh, gần hệ thống đường Xa lộ Xuyên Á, dễ dàng thông thương hàng hoá đi toàn quốc và các nước trong khu vực ASEAN bằng đường bộ và tiếp cận hệ thống cảng container của TP. Hồ Chí Minh bằng đường thủy.
Được biết, dây chuyền sản xuất của nhà máy được nhập khẩu từ các quốc gia hàng đầu thế giới với những công nghệ hiện đại đã giúp Tanifood trở thành nhà máy chế biến nông sản đầu tiên ở Việt Nam đạt chuẩn Lead Silver của Mỹ, áp dụng công nghệ 4.0 trong quản lý và vận hành.
Lễ khánh thành nhà máy chế biến rau củ quả Tanifood tại huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh
Áp dụng những công nghệ sản xuất tiên tiến và hiện đại, nhà máy Tanifood sẽ là nơi sản xuất ra các sản phẩm trái cây đông lạnh, nước ép, trái cây sấy khô, sấy dẻo, nước trái cây cô đặc đạt tiêu chuẩn quốc tế, xuất khẩu sang thị trường các nước Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản và Australia.
Phát biểu tại lễ khánh thành, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình đã ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những nỗ lực của tập thể lãnh đạo, kỹ sư và toàn thể cán bộ - công nhân viên Nhà máy Tanifood, tập thể các chuyên gia nước ngoài, đặc biệt là các chuyên gia nhà thầu đã cố gắng hoàn thành đúng tiến độ chất lượng công trình quan trọng này.
Với công suất lên đến 60.000 tấn thành phẩm mỗi năm, Tanifood sẽ chế biến tất cả các loại trái cây, rau củ với nhiều hình thức, sản phẩm khác nhau. Trong đó, nông sản loại 1 sẽ làm hàng xuất khẩu tươi; loại 2, 3, 4 làm đông lạnh, sấy, cô đặc và nước ép đóng chai.
Tanifood sẽ không chỉ góp phần giảm thiểu, chấm dứt tình trạng đổ bỏ nông sản vì giá rẻ, rủi ro từ thương lái, giúp nâng cao giá trị nông sản Việt Nam và cải thiện đời sống, thu nhập cho người nông dân tỉnh Tây Ninh từ 0,26 USD/m2 lên 3,6 USD/m2.
Ngoài nhà, Công ty Cổ phần Lavifood và Công ty Nông nghiệp và Thủy sản ILMI (Hàn Quốc) đang chuẩn bị đầu tư Nhà máy chế biến rau quả công suất 15.000 tấn thành phẩm/năm, tổng vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng tại Khu công nghiệp VSIP Hải Dương.
Ngọc Linh