Hàng ngàn ha đất cho thuê trái luật
Mới đây, Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã gửi thông báo kết quả kiểm toán đối với Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gònc (Sagri) về vấn đề quản lý, sử dụng đất. Qua đó, chỉ rõ DN đã sử dụng sai hàng ngàn ha đất.
Theo Kiểm toán Nhà nước, tại Sagri, hàng nghìn ha đất đã bị sử dụng sai, tập trung vào các hình thức sai về góp vốn, giao khoán, cho thuê, mượn.
Đặc biệt, Kiểm toán Nhà nước cho biết, Sagri và Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu Nông lâm hải sản (100% vốn của Sagri) đã ký 10 hợp đồng góp vốn thành lập pháp nhân mới để hợp tác đầu tư trên 24 khu đất có tổng diện tích gần 1.920 ha. Trong đó, có nhiều khu đất nằm tại trung tâm TP. HCM.
Sagri đã bàn giao hơn 1.400 ha đất và tài sản trên đất của Công ty TNHH MTV Bò sữa TP. HCM cho Công ty TNHH Nông nghiệp Trung Thủy Sagri, hơn 452,7 ha cho một doanh nghiệp“khi chưa có văn bản chấp thuận của UBND TP. HCM, chưa có quyết định thu hồi và giao đất của cơ quan có thẩm quyền” – trích Thông báo của Kiểm toán Nhà nước.
Thông báo của Kiểm toán Nhà nước lưu ý, liên quan tới diện tích đất Công ty TNHH MTV Bò sữa TP. HCM, Thủ tướng Chính phủ và UBND TP. HCM, trước đó đã yêu cầu “không được cho thuê, cho mượn, chuyển nhượng, góp vốn bằng giá trị quyền sừ dụng đất dưới bất kỳ hình thức nào”.
Đồng thời, Sagri còn ký 7 hợp đồng hợp tác, góp vốn bằng 114 ha đất với 4 đơn vị. Kiểm toán Nhà nước cho biết, tại 6/7 hợp đồng này, Sagri chỉ được hưởng một khoản lợi nhuận cố định không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh trên đất, còn lại việc kinh doanh “hoàn toàn cho các đối tác toàn quyền quyết định”.
Kiểm toán Nhà nước đánh giá, việc ký 7 hợp đồng này thực chất là Sagri đã cho thuê lại đất không đúng quy định. Và cũng không có văn bản chấp thuận chủ trương của UBND TP. HCM. Với những kết luận ấy, Kiểm toán Nhà nước chủ yếu đề nghị Sagri tập trung “chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng đất”.
Theo đó, Kiểm toán Nhà nước đề nghị Sagri, Công ty TNHH MTV Bò sữa TP.HCM, Công ty TNHH MTV Cây trồng TP. HCM, Công ty TNHH MTV XNK Nông Lâm Hải sản và Công ty CP BVTV Sài Gòn “phối hợp với các cơ quan chức năng của thành phố ký hợp đồng thuê đất đối với diện tích đất chưa có hợp đồng thuê đất theo quy định”.
Đồng thời, Kiểm toán Nhà nước đề nghị Công ty TNHH MTV XNK Nông Lâm Hải sản thanh lý hợp đồng hợp tác với Công ty CP Tập đoàn Trung Thủy về việc góp vốn thành lập pháp nhân mới là Công ty TNHH Trung Thủy Agri. Lý do vì đây thuộc lĩnh vực kinh doanh bất động sản, Sagri không được phép đầu tư.
Kiểm toán Nhà nước cũng đề nghị Sagri thanh lý các hợp đồng hợp tác góp vốn thành lập pháp nhân mới để hợp tác đầu tư kinh doanh trên các khu đất của TCT và Công ty TNHH MTV Cây trồng TP. HCM không đúng quy định. Các kết quả xử lý này, Kiểm toán Nhà nước đề nghị Chủ tịch HĐTV Sagri chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm túc, kịp thời, đầy đủ và báo cáo kết quả thực hiện về KTNN khu vực IV trước ngày 30/11/2018.
Chia ra để lỗ?
Lưu ý, đây chỉ là kết quả kiểm toán một năm hoạt động. Do đó, việc Kiểm toán Nhà nước chỉ nhẹ nhàng yêu cầu Sagri cần “chấn chỉnh” điểm “chưa chuẩn” liên quan đến vốn, đất đai đang sử dụng, cũng hàm nghĩa những sai phạm – nếu có thể gọi như vậy - tại tổng công ty này, đã bắt nguồn từ nhiều năm trước và tới thời điểm kiểm toán là chưa được khắc phục.
Cụ thể, về tài chính, Kiểm toán Nhà nước ghi nhận Sagri hoàn nhập dự phòng gần 36,6 tỷ đồng vào kết quả kinh doanh 2017 (để phục vụ việc cổ phần hóa) là “không phù hợp quy định”.
Tuy nhiên, căn cứ “không phù hợp quy định” mà Kiểm toán Nhà nước dẫn chiếu là Thông tư 41/2018 ban hành ngày 4/5/2018 của Bộ Tài chính (về chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần), trong khi thời điểm Sagri hoàn nhập dự phòng là trước ngày 31/12/2017. Điều này có thể dẫn tới các cách hiểu khác nhau, khi thời điểm hoàn nhập diễn ra trước khi quy định quản lý được ban hành.
Điểm lưu ý nữa là dấu hiệu gian dối trong sử dụng vốn của Sagri đã được “thể hiện” khá nhẹ nhàng. Theo đó, bệnh cạnh việc tạm ứng và dẫn tới nguy cơ mất 12 tỷ đồng phục vụ việc “tư vấn” để được giao 4.000 ha đất tại Đăk Lăk, Sagri còn vay 3 khoản ngoại tệ, 1 khoản VND với mục đích bổ sung vốn lưu động, nhưng thực tế là đem gửi có kỳ hạn để hưởng chênh lệch lãi suất. Tuy nhiên, thực tế các hợp đồng này đã phát sinh lỗ tới hết năm 2017 là gần 12,6 tỷ đồng.
Sagri cũng vay 2 khoản để góp vốn thành lập pháp nhân mới, nhưng sau đó, các đối tác cho Sagri vay lại khoản tiền này trong 3 năm không thu lãi.
Đây là khoản tiền sử dụng lòng vòng liên quan tới hợp đồng hợp tác với Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Thủy, để thành lập Công ty TNHH Nông nghiệp Trung Thủy Sagri -chủ đầu tư dự án Khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, diện tích 650 ha, tổng vốn đầu tư 820 tỷ đồng tại Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, TP. HCM.
Công ty TNHH Nông nghiệp Trung Thủy Sagri có vốn điều lệ 164 tỷ đồng, trong đó Sagri chỉ góp hơn 59 tỷ đồng, chiếm 36% vốn điều lệ, 64% vốn còn lại do phía Trung Thủy nắm giữ. Với việc chỉ là cổ đông thiểu số và vay lại vốn góp tại công ty TNHH này, phía Sagri gần như đã giao đứt diện tích 650ha đất trên cho phía Trung Thủy, mà chỉ “thu” về được vài chục tỷ đồng… “vốn vay”.
Thông báo Kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước không bình luận gì về thực tế này. Cũng theo Kiểm toán Nhà nước, tính tới thời điểm 31/12/2017, Sagri đã đầu tư vốn vào 25 doanh nghiệp, với tổng vốn góp gần 1.039 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Kiểm toán Nhà nước cho biết, có tới 9/25 doanh nghiệp được góp vốn này đã lỗ, có 10/25 doanh nghiệp lỗ lũy kế tính tới hết năm 2017 là gần 383 tỷ đồng, tức là tương đương gần 40% tổng số vốn góp. Sagri không trích lập dự phòng cho khoản lỗ này.
Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước cũng liệt kê hàng loạt các vi phạm khác liên quan tới tiền thuê đất, tiền thuế tại Sagri và các công ty con, công ty liên kết.
KTNN còn đề nghị chủ tịch UBND TP. HCM chỉ đạo “tổ chức kiểm điểm, xác định trách nhiệm của tập thể và cá nhân có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật đối với các tồn tại, hạn chế của TCT, nhất là đối với việc cho thuê đất, hợp tác đầu tư trên các khu đất khi chưa có văn bản chấp thuận của UBND TP. HCM. Kiến nghị xử lý nghiêm việc giao đất cho Công ty TNHH Nông nghiệp Trung Thủy Sargi khi chưa có ý kiến chấp thuận của UBND TP. HCM…
Tháng 3 vừa qua, ông Lê Tấn Hùng, Tổng giám đốc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn, bị Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong ký quyết định kỷ luật bằng hình thức khiển trách. Ông Hùng đã có hành vi vi phạm về nguyên tắc kế toán. Năm 2014, ông Hùng được điều động về Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn. Trước đó, ông giữ chức Chỉ huy trưởng Lực lượng Thanh niên xung phong TP. HCM.
Hải Đăng