Theo kế hoạch, trong năm 2022, tỉnh Thái Bình đặt mục tiêu khảo sát, đánh giá, tư vấn và hướng dẫn cho 32 chủ thể đăng ký tham gia Chương trình OCOP; củng cố, phát triển, nâng cấp hạng sao các sản phẩm có tổng điểm đạt OCOP 2 sao và 3 sao.
Tỉnh lựa chọn từ 1 - 2 sản phẩm đạt tổng 90 điểm trở lên để đăng ký với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, phân hạng là sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia.
Ngoài ra, hỗ trợ tư vấn, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, phát triển sản phẩm cho 100% cơ sở sản xuất tham gia Chương trình OCOP; 100% sản phẩm OCOP được cấp có thẩm quyền chứng nhận đạt sao phải in logo thứ hạng sao, có mã số, mã vạch để truy suất nguồn gốc theo quy định....
Theo yêu cầu đặt ra, đối với các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP của tỉnh phải đảm bảo và đáp ứng đủ các yêu cầu về: sản phẩm có tính chủ lực, tính đặc trưng ở địa phương, xây dựng được vùng nguyên liệu để mở rộng sản xuất, tham gia hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị nhằm tạo sự đột phá trong sản xuất nông sản hàng hóa tại địa phương;
Sản phẩm phải đảm bảo chất lượng sau khi được công nhận hạng sao OCOP, có sức cạnh tranh trên thị trường, có triển vọng xuất khẩu (ưu tiên các sản phẩm được sản xuất theo hướng áp dụng công nghệ mới, các tiêu chuẩn sản xuất tiên tiến như GlobalGAP, Organic, GMP, HACCP, ISO,...)
Để đạt được hiệu quả, tỉnh Thái Bình sẽ lồng ghép các chương trình, dự án ưu tiên hỗ trợ các tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP.
Tích cực chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở sản xuất thực hiện tốt các nội dung hoạt động của Chương trình OCOP...
Được biết, trong năm 2021, tỉnh Thái Bình đã có 47 sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP, trong đó có 17 sản phẩm đạt OCOP 4 sao (có 2 sản phẩm đủ điều kiện đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 5 sao cấp Quốc gia); các sản phẩm còn lại đều đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh...
Hà Trần