Thông tin tại chương trình, lãnh đạo xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn cho biết: Mô hình trồng cây dẻ ghép đã được trồng tại xã Quảng Lạc từ năm 2003 và được xác định là một trong những sản phẩm chủ lực của xã. Từ năm 2015, cấp ủy, chính quyền xã Quảng Lạc đã triển khai các dự án hỗ trợ người dân, đến nay diện tích trồng dẻ trên địa bàn xã đã trên 100ha, sản lượng bình quân hàng năm hàng chục tấn, mang lại thu nhập cao cho Nhân dân trong xã.
Sản phẩm hạt dẻ đã được đăng ký thương hiệu, được nhiều người biết đến và đặt mua. Năm 2020, hạt dẻ tươi Lạng Sơn đã được Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam tôn vinh “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2020”. Ngoài sản phẩm hạt dẻ tươi, hạt dẻ rang, người dân xã Quảng Lạc đã sáng tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng được chế biến từ hạt dẻ như: sữa hạt dẻ, bánh trung thu làm từ hạt dẻ, xôi hạt dẻ... được người dân đón nhận.
Chương trình góp phần tôn vinh nghề trồng dẻ và những người nông dân chăm chỉ, giới thiệu những khu vườn hạt dẻ đến đại biểu, nhân dân và kết nối với du khách thập phương. Đây là dịp để quảng bá các sản phẩm OCOP của địa phương, gắn với các chương trình văn hóa văn nghệ, trải nghiệm. Là cơ hội để các nhà vườn giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu, phát huy những giá trị phát triển kinh tế đặc sắc của dân tộc góp phần xây dựng và phát triển thương hiệu, nâng cao thu nhập.
Trong thời gian tới, xã Quảng Lạc tiếp tục định hướng cho các thôn, nhân dân mở rộng sản xuất nhân rộng các mô hình đã có hiệu quả trên địa bàn; Nâng cao trình độ, kiến thức cho nông dân thông qua công tác dạy nghề, tập huấn chuyên sâu.
Đồng thời, đẩy mạnh kêu gọi các doanh nghiệp liên kết sản xuất với các Trung tâm ứng dụng khoa học công nghệ, Công ty Giống cây trồng Đông Bắc, các Hợp tác xã, Tổ hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Từng bước phát triển khâu chế biến sau thu hoạch và phát triển chuỗi giá trị hạt dẻ mang thương hiệu của Lạng Sơn.
Triệu Thành