Theo Văn phòng điều phối Chương trình quốc gia xây dựng NTM tỉnh Thái Nguyên, tính đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã có trên hơn 100 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, chiếm tỷ lệ khoảng 72% tổng số xã nông thôn trên địa bàn, bình quân mỗi xã đạt 17,2 tiêu chí NTM. Toàn tỉnh đã có 13 xóm được UBND cấp huyện công nhận đạt “xóm NTMKM”. Năm 2020, Thái Nguyên đang triển khai xây dựng xã NTMKM tại 9 xã: 9 xã gồm: Đắc Sơn (Phổ Yên), Đồng Liên (Thành phố Thái Nguyên), Minh Lập (Đồng Hỷ), Tức Tranh (Phú Lương), Vinh Sơn (Thành phố Sông Công), Phú Thượng (Võ Nhai), Tiên Hội (Đại Từ), Tân Đức (Phú Bình) và Bảo Cường (Định Hóa).
Thái Nguyên đã và đang triển khai chương trình xây dựng NTM nói chung và xây dựng xã, xóm NTMKM nói riêng được triển khai khá bài bản với những cách làm sáng tạo. Để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu trên địa bàn, tỉnh Thái Nguyên đến hết năm 2020 không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí NTM, tỉnh Thái Nguyên đã tích cực triển khai xây dựng xã NTMKM và nhân rộng các mô hình “hộ gia đình NTM”, “xóm NTMKM”.
HTX Chè Hảo Đạt có 40 thành viên, với hơn 6 ha trồng chè và các hộ liên kết là 35 ha theo tiêu chuẩn VietGAP (Ảnh: Hoàng Thiệp)
Bên cạnh đó, thời gian vừa qua tỉnh Thái Nguyên đã thành lập và phát triển các mô hình Hợp tác xã (HTX) kiểu mới đã góp phần thay đổi tư duy sản xuất, tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều lao động tại địa phương, góp phần quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Thông qua HTX, các hộ nông dân, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp nhỏ và vừa hợp tác với nhau, tăng sức mạnh để ứng phó với các khó khăn.
Tỉnh đã ban hành nhiều chính sách thông qua các chương trình, đề án, kế hoạch hỗ trợ khu vực kinh tế tập thể, HTX đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị tiên tiến, nâng cao năng lực, tìm kiếm thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Khu vực kinh tế tập thể, HTX đã có bước phát triển và đạt được nhiều kết quả tích cực. Số HTX hoạt động hiệu quả không ngừng tăng lên, đời sống của thành viên, người lao động không ngừng được cải thiện, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, an ninh quốc phòng ở địa phương.
Tiêu biểu như: HTX Chè Hảo Đạt (xã Tân Cương,Thành phố Thái Nguyên) có 40 thành viên, với hơn 6 ha trồng chè và các hộ liên kết là 35 ha theo tiêu chuẩn VietGAP, và hệ thống nhà xưởng có tổng diện tích trên 1.000m2, dây chuyền sản xuất khép kín, được tự động hóa 70%; công suất từ 4,0 - 4,5 tấn chè búp tươi/ngày. Bình quân mỗi năm, HTX chế biến được 1.500 tấn chè búp tươi, cung cấp ra thị trường từ 250 - 300 tấn chè búp khô an toàn, chất lượng cao, với các dòng sản phẩm chính như: Chè Đinh, chè Tôm Nõn, chè Móc Câu, chè Bát Tiên, chè truyền thống…
Doanh thu hàng năm của HTX tăng trưởng đều đặn theo từng năm, trung bình đạt khoảng 5-6 tỷ đồng, lợi nhuận 1,5 – 2 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 20-30 lao động với mức thu nhập bình quân từ 4,5 đến 6,0 triệu đồng/người/tháng và khoảng 30 lao động thời vụ với mức lương thỏa thuận. Ngoài ra, hàng năm Hợp tác xã còn thường xuyên giúp đỡ 15 hộ nghèo về vốn với số tiền 10 đến 15 triệu đồng/hộ không lãi suất, hỗ trợ về kiến thức khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm trong trồng, chăm sóc, chế biến chè đặc sản, hiện đã có 4 hộ vươn lên có cuộc sống ổn định và phát triển kinh tế, trở thành những hộ khác giả trong xóm.
HTX chè La Bằng (xã La Bằng, huyện Đại Từ)đã được tỉnh hỗ trợ như bao bì, công nghệ…để sản xuất chè sạch đảm bảo các điều kiện về về sinh an toàn thực phẩm, sản phẩm đạt tiêu chuẩn Vietgap. Sản lượng chè của HTX chè La Bằng lớn và ổn định, mạng lưới phân phối khắp các tỉnh thành trong cả nước. HTX đã đảm bảo nguồn tiêu thụ ổn định cho bà con nông dân xã viên của HTX.
HTX chè La Bằng (xã La Bằng, huyện Đại Từ) sản xuất chè sạch đảm bảo các điều kiện về sinh an toàn thực phẩm, sản phẩm đạt tiêu chuẩn Vietgap. (Ảnh: Hoàng Thiệp)
Thực hiện xây dựng xã NTMKM một cách hiệu quả Thái Nguyên cũng đã kịp thời đề ra giải pháp cho các tháng cuối năm 2020 là: Đẩy mạnh xây dựng và nhân rộng các mô hình “hộ gia đình Nông thôn mới”, “xóm NTMKM”, lấy mô hình xây dựng “xóm NTMKM” làm hạt nhân; quan tâm thực hiện tốt các mô hình phát triển tổ chức sản xuất (hợp tác xã, doanh nghiệp); công tác bảo vệ môi trường, xây dựng và phát triển cảnh quan, môi trường “Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp - An toàn” làm tiền đề cho phát triển du lịch nông thôn; phát huy vai trò của nhân dân, nhân rộng và phát huy hiệu quả các mô hình tự quản bảo đảm giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn nông thôn.
Hoàng Thiệp