Trong những năm qua, phong trào đền ơn đáp nghĩa của tỉnh Thái Nguyên đã được xã hội hóa, huy động được sức mạnh của toàn xã hội: Xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa; nhà tình nghĩa; phụng dưỡng mẹ Việt Nam Anh hùng, chăm sóc thương bệnh binh nặng, bố mẹ liệt sỹ già yếu, cô đơn, con em liệt sỹ mồ côi…

Việc thực hiện các chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng được các cấp, các ngành, tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở quan tâm, tổ chức thực hiện kịp thời, đúng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và đạt được nhiều kết quả, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người có công, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Tính đến hết năm 2017, tỉnh quản lý thực hiện chính sách ưu đãi đối với trên 130.000 người có công với cách mạng, chiếm 10,86% dân số. Hàng tháng, chi trả trợ cấp ưu đãi cho trên 23.000 người, tổng kinh phí hàng năm trên 650 tỷ đồng. Trong đó, 1.158 người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945 và từ ngày 1/1/1945 đến trước tổng khởi nghĩa; 575 mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu bà mẹ Việt Nam Anh hùng (đến nay 39 mẹ còn sống, đều được các cơ quan, đơn vị nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời).

10.821 liệt sỹ, 6 anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 7.189 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; 2.742 bệnh binh. 13.178 người hoạt động kháng chiến và con đẻ bị nhiễm chất độc hóa học, trên 95.000 người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc được tặng huân chương, huy chương kháng chiến đã được hưởng chính sách ưu đãi 1 lần; hàng năm chi trả trên 6.000 trường hợp hưởng chế độ thờ cúng liệt sỹ.

Ngoài ra, đang quản lý thực hiện chế độ đối với trên 80.000 người có thời gian tham gia kháng chiến hưởng chế độ BHYT và mai táng phí khi đối tượng qua đời. Giải quyết chế độ hưởng trợ cấp 1 lần theo QĐ 24/2016/QĐ-TTg cho 7.501 trường hợp.

Sở LĐ-TB&XH đã thực hiện tốt phong trào đền ơn đáp nghĩa với người có công trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng, chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, xây dựng chương trình, triển khai kế hoạch nhằm cụ thể hóa các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước về người có công đến cấp huyện, thành phố, thị xã để thực hiện.

Các chương trình tiêu biểu trong phong trào đền ơn đáp nghĩa của tỉnh Thái Nguyên đã và đang được thực hiện:

Phối hợp với MTTQ tỉnh vận động xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa (trong 5 năm, toàn tỉnh đã vận động được trên 42 tỷ đồng); Chương trình xây dựng nhà tình nghĩa; Chương trình xây dựng và tu sửa nghĩa trang, đài, bia ghi tên liệt sỹ… Ngành LĐ-TBXH đã chủ động tranh thủ các nguồn vốn đầu tư của Trung ương, của tỉnh và đóng góp của nhân dân trong tỉnh, xây dựng, sửa chữa được 47 nghĩa trang, đài tưởng niệm, đền thờ các anh hùng liệt sỹ. Tham mưu và tổ chức thành công Lễ Kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - liệt sỹ; Chương trình thăm, tặng quà đối tượng chính sách người có công nhân dịp lễ, Tết và 27/7; trợ giúp đời sống và thực hiện chính sách ưu đãi đối với thương bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng...

Những năm qua, phong trào luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh và các địa phương, đã tạo những bước tiến đáng khích lệ và ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho các gia đình thương bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng.

Thái Nguyên: Nhìn lại 5 năm phong trào đền ơn đáp nghĩa - Hình 1

Sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, đoàn thể với các cơ quan, doanh nghiệp đóng trên địa bàn, cùng với sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, với truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” - đã tích cực hưởng ứng phong trào do ban chỉ đạo các cấp phát động.

Hoàng Thiệp