Đồng bộ các giải pháp

Thực hiện NQ số 18-NQ/TW Hội nghị TW 6 khóa XII, Tỉnh ủy Thái Nguyên đã ban hành Đề án số 09 với mục tiêu tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường và thực tiễn của địa phương; tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức...

Theo đề án đã ban hành, Thái Nguyên đặt mục tiêu từ nay đến năm 2021, cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, kiện toàn một số tổ chức, giảm tối đa cấp trung gian, cấp phó.

Bên cạnh đó, thực hiện thí điểm một số mô hình mới về tổ chức bộ máy và kiêm nhiệm chức danh để tinh gọn đầu mối, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; sắp xếp thu gọn hợp lý đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn quy định về dân số, diện tích tự nhiên, giảm số lượng thôn, tổ dân phố; giảm tối thiểu 10% biên chế so với 2015...

Thái Nguyên tinh giản biên chế gắn với sử dụng cán bộ hiệu quả - Hình 1

Tinh giản biên chế hướng gắn với sử dụng cán bộ hiệu quả

Để đạt được các mục tiêu đề ra, đối với hệ thống tổ chức đảng, Tỉnh ủy đã đề ra các nhiệm vụ với lộ trình, thời gian hoàn thành cụ thể:

Bắt đầu từ đầu năm 2018, thực hiện thống nhất Văn phòng Tỉnh ủy phục vụ chung các cơ quan tham mưu, giúp việc của Tỉnh ủy.

Trưởng ban tuyên giáo, đồng thời làm giám đốc trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện; cơ bản hợp nhất văn phòng cấp ủy với văn phòng HĐND, UBND cấp huyện ở những nơi có điều kiện; điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm mối quan hệ của đảng ủy khối cơ quan theo hướng tinh gọn bộ máy.

Thực hiện tổ chức lại đảng ủy khối DN theo hướng chuyển giao các cơ sở đảng về các huyện, thành, thị ủy; đổi mới cơ chế hoạt động của ban bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh theo hướng chuyển về bệnh viện phục hồi chức năng; chuyển chức năng dân tộc, tôn giáo về một cơ quan đảm nhận; cơ bản thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch HĐND các cấp...

Đối với công tác tinh giản biên chế ở khối đảng, đoàn thể, từ năm 2018 - 2021, Thái Nguyên dự kiến tinh giản biên chế ít nhất gần 100 người, bảo đảm  đến 2021, khối đảng, đoàn thể tỉnh thực hiện tinh giản biên chế với mức giảm tối thiểu 10% so với tổng số biên chế được giao.

Khối chính quyền, hàng năm giảm trung bình 2,5% ở mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương, thời gian thực hiện định kỳ hàng năm đến 2021, chấm dứt các hợp đồng làm chuyên môn, nghiệp vụ tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị hành chính. Việc tuyển dụng công chức, viên chức phải căn cứ vào số biên chế được giao, sau khi trừ đi số biên chế phải giảm do thực hiện tinh giản biên chế hàng năm...

Ông Bùi Xuân Hòa, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy cho biết: Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Đảng ở Thái Nguyên được thực hiện theo nguyên tắc bố trí, sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan, đơn vị theo hướng tinh gọn, hiệu quả, một tổ chức một người có thể đảm nhiệm nhiều việc, nhưng một việc chỉ do một tổ chức, một người chủ trì và chịu trách nhiệm chính.

Việc bố trí số lượng biên chế, cơ cấu lãnh đạo các cơ quan đơn vị hợp lý, hiệu quả, bố trí sử dụng chung bộ phận hành chính, phục vụ đối với một số cơ quan có sự gắn kết chặt chẽ trong thực hiện nhiệm vụ chung; từng bước tách dịch vụ công ra khỏi chức năng quản lý nhà nước; thực hiện nghiêm về số lượng lãnh đạo cấp phó...

Cùng với lộ trình, thời gian cụ thể để sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, Thái Nguyên đã xây dựng cơ chế, chính sách và chuẩn bị nguồn kinh phí để hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thôi việc theo nguyện vọng, nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ công tác chờ đủ tuổi nghỉ hưu...

Cần kiểm soát chặt chẽ

Thống kê mới nhất, hiện biên chế khối đảng, đoàn thể toàn tỉnh là 1.037 người, trong đó cấp tỉnh 468 biên chế, còn lại là cấp huyện và hợp đồng lao động hưởng lương ngân sách tỉnh; số lượng lãnh đạo ở tỉnh, cấp trưởng là 107 người và cấp phó là 131 người.

Đối với riêng khối chính quyền cấp tỉnh, có trên 1.200 biên chế công chức; biên chế sự nghiệp văn hóa - thông tin và sự nghiệp khác là 1.227 người; biên chế sự nghiệp giáo dục - đào tạo hơn 3.100 người; biên chế sự nghiệp y tế trên 5.000 người...

Qua hoạt động thực tiễn, tổ chức bộ máy, biên chế ở Thái Nguyên còn bộc lộ một số hạn chế: Năng lực lãnh đạo của các cơ quan, đơn vị vẫn chưa theo kịp yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn, tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, chức năng nhiệm vụ ở một số cơ quan, đơn vị còn chồng chéo, xây dựng bộ máy chưa tinh gọn, chi phí lớn hiệu quả chưa cao, một bộ phận công chức chưa thật sự công tâm với công việc, thụ động, ỷ lại trong thực hiện nhiệm vụ.

Tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để làm việc hiệu quả hơn là việc cần phải thực hiện. Thực tế, khó ở chỗ là việc tinh giản biên chế phải gắn với cơ cấu lại nguồn nhân lực để vừa tinh giản vừa nâng chất lượng. Việc tinh giản này, phải được kiểm soát chặt chẽ, tránh tình trạng lợi dụng chủ trương tinh giản biên chế để loại bỏ những người có năng lực.

Nhiều ý kiến cho rằng, để thực hiện được việc tinh giản biên chế, ngoài những giải pháp như xã hội hóa và đẩy mạnh quyền tự chủ cho một số đơn vị, lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, thì cần phải tăng cường cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ vào giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tốt hơn. Song song với đó, các cơ quan cần sắp xếp lại vị trí việc làm theo năng lực từng người.

Qua sắp xếp cùng với đào tạo lại đội ngũ công chức, viên chức, cơ quan quản lý sẽ đánh giá được năng lực từng người, từ đó luân chuyển hoặc tinh giản theo quy định. Điều quan trọng nữa đó là phải có cơ chế lương - thưởng phù hợp để công chức, viên chức yên tâm làm việc, đạt hiệu quả hơn.

Theo ông Lê Vĩnh Tân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương, Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Tới đây, Chính phủ sẽ ban hành các chương trình hành động thực hiện các nghị quyết số 18-NQ/TW, số 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII của Đảng và Nghị quyết số 56/2017/QH14 của Quốc hội khóa XIV để tổ chức triển khai thực hiện, tạo chuyển biến rõ rệt về nhận thức, hành động của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động các cấp, các ngành và sự đồng thuận của xã hội về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Hoan Nguyễn