THCL Ủy ban Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm khuyến khích các bộ, ngành, đoàn thể và các tỉnh, thành phố tổ chức Lễ phát động Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2015.

Lễ mít tinh và diễu hành quần chúng hưởng ứng Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS năm 2015  tổ chức tập trung tại cấp tỉnh/thành phố. Các cuộc mít tinh và diễu hành quần chúng nên được tổ chức vào thời điểm thuận lợi cho việc huy động cộng đồng tham gia như ngày cuối tuần (28-29/11) hoặc Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS (01/12/ 2015). Ngoài mít tinh, có thể tổ chức các hoạt động phối hợp như diễu hành hoặc quần chúng đi bộ, đạp xe, chạy, trưng bày, triển lãm, ca nhạc, biểu diễn kịch, truyền thông lưu động hoặc các sự kiện gây quỹ hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS.

Ngoài mít tinh và diễu hành cấp tỉnh, thành phố, Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm khuyến khích các tỉnh, thành phố các bộ ngành chỉ đạo các địa phương, đơn vị tổ chức các cuộc mít tinh, diễu hành tùy theo điều kiện cụ thể của từng địa phương.

Việc tổ chức các hoạt động truyền thông, vận động hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS đã chú trọng vào các nội dung: Các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV và lợi ích của việc tiếp cận sớm các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV; Lợi ích của tư vấn xét nghiệm sớm HIV và xét nghiệm định kỳ với nhóm có hành vi nguy cơ cao; Điều trị bằng thuốc ARV: Lợi ích của điều trị bằng thuốc ARV, Lợi ích tiếp cận sớm với các dịch vụ chăm sóc và điều trị HIV/AIDS; quảng bá các dịch vụ điều trị ARV tại địa phương v.v... Bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV/AIDS: Sự cần thiết, quyền lợi, mức đóng, mức hưởng và thủ tục tham gia cũng như cách sử dụng bảo hiểm y tế khi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; Vận động đảm bảo tài chính cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS; Luật Phòng, chống HIV/AIDS cần nhấn mạnh về quyền và nghĩa vụ của người nhiễm HIV, những điều khoản liên quan đến quyền tiếp cận điều trị và chăm sóc sức khỏe cho người nhiễm HIV/AIDS; Chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS;

Hình thức truyền thông thực hiện linh hoạt và triển khai đa dạng phong phú các hình thức truyền thông phù hợp với nguồn lực sẵn có của từng địa phương. Cụ thể, truyền thông trực tiếp như truyền thông với cá nhân, truyền thông nhóm, thăm gia đình người nhiễm HIV hoặc người có hành vi nguy cơ cao; tư vấn tại các cơ sở y tế; tổ chức sinh hoạt của các câu lạc bộ phòng, chống HIV/AIDS, các nhóm tự lực, các nhóm giáo dục đồng đẳng (lưu ý cần huy động sự tham gia của người nhiễm HIV).

Truyền thông đại chúng: Ưu tiên về thời điểm, thời lượng phát sóng trên đài phát thanh, đài truyền hình; dung lượng và vị trí đăng trên báo in, báo điện tử trong Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS; tăng cường truyền thông qua các chương trình giải trí trên truyền hình, các phóng sự, các chương trình quảng cáo, các chương trình toạ đàm, giao lưu với những người nổi tiếng về HIV/AIDS... Xây dựng chuyên trang, chuyên mục, đăng tải tin, bài viết trên các phương tiện thông tin đại chúng ở trung ương và địa phương như Đài Phát thanh và Truyền hình, báo in, báo điện tử.

Truyền thông lưu động, đội chiếu bóng lưu động, các cuộc thi tìm hiểu phòng, chống HIV/AIDS; Tổ chức các đêm giao lưu văn nghệ truyền thông phòng, chống HIV/AIDS, nhất là ở xã, phường, thôn, ấp, bản.

Tổ chức các sự kiện truyền thông có sự tham gia của người nhiễm HIV và gia đình; của các nhà lãnh đạo, người nổi tiếng và lãnh đạo cộng đồng;

Phát triển và phổ biến các phương tiện và tài liệu truyền thông: Xây dựng các cụm panô, khẩu hiệu, treo băng roll tại các địa điểm công cộng có đông người qua lại như các trục đường giao thông chính, các bến xe, công viên; cửa ngõ thành phố, xã phường, thôn, ấp, bản và cổng các cơ quan, đơn vị, trường học, bệnh viện; Phổ biến các ấn phẩm truyền thông phòng, chống HIV/AIDS khác như áp phích, tranh gấp, tờ rơi, sách mỏng về phòng, chống HIV/AIDS.

L. Gia (Thương hiệu và Công luận)