Sáng 21/3, Ban đô thị HĐND thành phố Hà Nội tổ chức giám sát việc chấp hành quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng nhà chung cư thương mại và tái định cư trên địa bàn thành phố Hà Nội tại Công ty Quản lý và phát triển nhà Hà Nội.
Báo cáo trước đoàn giám sát về công tác tổ chức Hội nghị nhà chung cư, thành lập Ban quản trị, ông Nguyễn Ngọc Minh, Phó Tổng giám đốc công ty cho biết, công ty đã tổ chức hội nghị nhà chung cư thành công 67 nhà, 44 tòa nhà đã tổ chức hội nghị lần 2 nhưng không thành công.
Ông Nguyễn Đức Sơn, Giám đốc Công ty Quản lý và phát triển nhà Hà Nội cho biết, đặt địa vị vào người tham gia ban quản trị chỉ dùng tiền đóng góp của người dân, không có phí, không có lương, không có gì bù đắp vào quỹ thì thiếu tính bền vững và không có tính hấp dẫn.
Thang máy không đảm bảo chất lượng dẫn đến nhiều vụ tai nạn thương tâm
“Những người tham gia Ban quản trị đều là ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng. Quỹ 2% của nhà tái định cư thấp, một tòa nhiều lắm chỉ khoảng hơn tỷ. Sửa chữa một cái thang máy hết bao nhiêu? Mà tôi nói chất lượng của thang máy thì gọi là Toshiba, Hitachi nhưng chỉ là vỏ, còn ruột khác hết. Đây là tôi nói thật để các đồng chí biết. Đội duy tu, bảo trì đến nói là tên hãng thế nhưng ruột khác. Chất lượng thế, có một tỷ thì sửa chữa thế nào”, ông Sơn nói.
Cũng theo ông Sơn, người dân nhận thức được nếu không tham gia, không lập Ban quản trị thì vấn đề duy tu, bảo trì đó nhà nước phải làm. “ Nếu thành lập Ban quản trị thì người dân tự bỏ tiền ra làm... Đấy là một phần nguyên nhân”, ông Sơn nói thêm.
Ông Nguyễn Đức Sơn cũng cho biết, theo quy định của pháp luật, thành phố đã làm tốt công tác hỗ trợ bảo trì 6 nội dung sử dụng từ nguồn vốn ngân sách.
“Điều người dân thắc mắc khi thành lập Ban quản trị là thành phố sẽ ủng hộ bao nhiêu để cư dân trong tòa nhà dựa vào đó có phương án đóng góp vào vận hành tòa nhà. Cái này chúng tôi đã báo cáo từ 2015, và Sở Xây dựng cũng đã 2 lần báo cáo lên UBND thành phố nhưng bây giờ vẫn đang trong tình trạng nghiên cứu”, ông Sơn nói.
Theo Tiền Phong