Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa và các nhà đầu tư ký cam kết thực hiện dự án tại Thanh Hóa
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 về “Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo sự thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn các nhà tư trong và ngoài nước vào đầu tư sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh”. Sau 5 năm thực hiện, môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh Thanh Hóa tiếp tục được cải thiện rõ rệt; thu hút đầu tư đạt nhiều kết quả quan trọng.
Thực tế, các chỉ số phản ánh môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh Thanh Hóa có sự chuyển biến tiến bộ. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 xếp thứ 24 cả nước, tăng 7 bậc so với năm 2016; Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công của tỉnh từ nhóm điểm trung bình và xếp thứ 27 năm 2016 tăng lên nhóm điểm cao và xếp thứ 11 cả nước.
Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh Thanh Hóa đã thu hút được 1.072 dự án đầu tư trực tiếp, gấp gần 2 lần so với giai đoạn 2011-2015, với tổng vốn đăng ký là 114.500 tỷ đồng và 3,6 tỷ USD. Thanh Hóa luôn đứng trong nhóm đầu cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài; toàn tỉnh hiện có 132 dự án FDI đang hoạt động với tổng vốn đăng ký là 14,1 tỷ USD.
Bên cạnh đó, huy động vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn giai đoạn 2016-2020 ước đạt 610.000 tỷ đồng, gấp 1,8 lần so giai đoạn trước và nằm trong nhóm 5 tỉnh thành phố huy động vốn đầu tư cao nhất cả nước. Thành lập mới doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng nhanh cả về số lượng và vốn đăng ký; giai đoạn 2016-2020 có 14.200 doanh nghiệp được thành lập mới, với số vốn đăng ký là 99.000 tỷ đồng gấp 2,7 lần về số doanh nghiệp và gấp 4,4 lần về vốn đăng ký so với giai đoạn 2011-2015 và đứng thứ 7 cả nước về thành lập mới doanh nghiệp.
Những kết quả đạt được trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã tạo ra bước đột phá trong tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách của tỉnh; tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hằng năm giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 12,1%; quy mô nền kinh tế năm 2020 gấp 1,8 lần so với năm 2015. Thu ngân sách nhà nước năm 2020 ước đạt 28.900 tỷ đồng, gấp 2,3 lần so với đầu nhiệm kỳ và đưa Thanh Hóa trở thành một trong những địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế và tốc độ tăng thu ngân sách cao nhất cả nước.
Cùng với đó, Thanh Hóa là một trong những địa phương đi tiên phong trong công tác vận động xúc tiến đầu tư và có nhiều nhà đầu tư nước ngoài tập đoàn lớn trong nước biết đến và đầu tư thành công tại Thanh Hóa. Tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện có hiệu quả nguyên tắc “4 tăng, 2 giảm, 3 không” trong giải quyết thủ tục hành chính. “4 tăng” là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường công khai minh bạch, tăng trách nhiệm trong thực thi công vụ và tăng sự hài lòng của tổ chức, công dân; “2 giảm” là giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính, giảm chi phí thực hiện thủ tục hành chính; “3 không” là không phiền hà sách nhiễu, không yêu cầu bổ sung hồ sơ quá một lần trong quá trình thẩm tra thẩm định trình giải quyết công việc và không giới hạn trong giải quyết hồ sơ thủ tục của các nhà đầu tư. Ngoài ra, tỉnh yêu càu các huyện, thị xã, thành phố ký cam kết giải phóng mặt bằng, đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư.
Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX tiếp tục xác định một trong ba khâu đột phá của nhiệm kỳ 2020-2025 là “Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn”. Đồng thời, để đạt được mục tiêu Nghị quyết số 58 của Bộ Chính trị đã đặt ra cho Thanh Hóa là phấn đấu trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh, hiện đại, một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Hội, Hải Phòng, Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc thì việc tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo sức hấp dẫn mới để thu hút đầu tư, huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển là yêu cầu cấp thiết và có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Theo Tham luận của ông Lê Minh Nghĩa, Đại biểu Đảng bộ Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa tại Đại hội Đại biểu tỉnh lần XIX, với vai trò là cơ quan tham mưu cho tỉnh về đầu tư và cải tiện môi trường đầu tư kinh doanh, Khối cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã đề xuất một số nội dung như Thanh Hóa cần tập trung hoàn chỉnh và trình phê duyệt quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng; rà soát, điều chỉnh bổ sung các chương trình kế hoạch phát triển các ngành lĩnh vực phù hợp với quy hoạch tỉnh được duyệt. Khẩn trương triển khai lập và phê duyệt quy hoạch phân khu chức năng, quy hoạch xây dựng chi tiết trong Khu kinh tế Nghi Sơn, các đô thị: TP Thanh Hóa, Sầm Sơn, Lam Sơn Sao Vàng… Quy hoạch dọc các hành lang kinh tế, các tuyến giao thông lớn, nhất là khu vực ven biển để làm cơ sở quản lý và thu hút đầu tư.
Ông Lê Minh Nghĩa, Đại biểu Đảng bộ Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa trình bày Tham luận tại Đại hội Đại biểu tỉnh lần XIXMặt khác, tiếp tục tham mưu cho tỉnh các giải pháp lãnh đạo chỉ đạo nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số quản trị hành chính công cấp tỉnh, chỉ số cải cách hành chính. Rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục, mẫu hóa các thành phần hồ sơ, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh.
Đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối ngoại, xúc tiến đầu tư, hợp tác quốc tế. Chủ động xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên các nhà đầu tư lớn, có thương hiệu, các dự án sản xuất, kinh doanh, dự án phát triển kinh tế - hạ tầng, phát triển đô thị quy mô lớn, làm hạt nhân tạo sự lan toả, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng và của cả tỉnh. Đồng thời chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết, nắm bắt thời cơ, đón đầu làn sóng dịch chuyển nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài – FDI vào Việt Nam sau đại dịch COVID-19.
Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới một số cơ chế, chính sách của tỉnh, nhất là các cơ chế chính sách về ưu đãi đầu tư, đất đai, giải phóng mặt bằng; đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng theo hình thức đối tác công tư – PPP, đặc biệt các lĩnh vực đòi hỏi nguồn vốn lớn như hạ tầng giao thông, đô thị, du lịch, hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp… Đồng thời, sớm trình Trung ương ban hành cơ chế chính sách đặc thù cho tỉnh về đầu tư, tài chính và phân cấp quản lý theo tinh thần Nghị quyết số 58 của Bộ Chính trị.
Huy động đa dạng các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng, trong đó trọng tâm là thu hút các nguồn lực từ bên ngoài, nguồn lực của doanh nghiệp, của khu vực dân cư để đầu tư hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại, trước mắt là hoàn chỉnh hệ thống cảng biển nước sâu Nghi Sơn, hệ thống giao thông thuận lợi trong và ngoài tỉnh, kết nối các hành lang kinh tế, các vùng kinh tế động lực của tỉnh và hạ tầng các khu công nghiệp khu kinh tế… nhằm tạo sức hấp dẫn trong thu hút đầu tư.
Nâng cao tính năng động và tiên phong của lãnh đạo các ngành, các cấp trong thực hiện vai trò trách nhiệm hỗ trợ, đồng hành cùng với doanh nghiệp và nhà đầu tư; linh hoạt, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm trong giải quyết công việc, kịp thời xử lý những khó khăn vướng mắc liên quan đến hoạt động của nhà đầu tư vào các doanh nghiệ. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả nguyên tắc “2 đồng hành” và “3 cam kết” với các nhà đầu tư. “2 đồng hành” là đồng hành cùng nhà đầu tư trong quá trình lựa chọn địa điểm đầu tư và đồng hành giải quyết các thủ tục đầu tư; “3 cam kết” là cam kết về tiến độ giải phóng mặt bằng, cam kết về đầu tư các hạ tầng thiết yếu đến chân hàng rào dự án và cam kết giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong suốt quá trình đầu tư và vận hành thương mại của dự án.
Hoài Thu