Lúa gạo là mặt hàng đang mang lại kỳ vọng lạc quan về xuất khẩu trong bối cảnh lạm phát tăng cao đặt ra nhiều rủi ro với kinh tế toàn cầu.
Hiện nay, một số quốc gia vẫn đang thực hiện lệnh cấm xuất khẩu gạo, tạo ra khoảng trống thị trường cho gạo Việt Nam. Tận dụng cơ hội xuất khẩu, mang lại lợi ích cho nông dân và doanh nghiệp nhưng vẫn bảo đảm an ninh lương thực quốc gia là chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương trong giai đoạn hiện nay.
Thời gian qua, giá gạo xuất khẩu liên tục tăng, có thời điểm giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt mức 638 USD/tấn, kéo theo giá lúa gạo trong nước cũng tăng cao từng ngày.
Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XV, trả lời về vấn đề sản xuất và xuất khẩu lúa gạo trong tình hình mới hiện nay, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước 3 “biến” lớn: Biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhiệm vụ hiện nay là cần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và đẩy mạnh xuất khẩu gạo, đồng thời không “gây sốc” cho thị trường nội địa hay đẩy giá tiêu dùng trong nước lên cao, vì sẽ ảnh hưởng tới một nhóm đối tượng là những người dễ tổn thương. Ba trục vấn đề này, hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và các địa phương đang triển khai thực hiện.
Trong bối cảnh giá lúa gạo thế giới tăng mạnh, thị trường trong nước đã xuất hiện tình trạng đầu cơ, găm hàng, các thương lái tranh nhau thu mua thóc với giá cao hơn doanh nghiệp, các đại lý gạo đẩy giá bán cao bất thường.
Tại Thanh Hóa, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương về tăng cường công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu gạo và bình ổn thị trường trong nước trong giai đoạn hiện nay, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi đã có chỉ đạo về việc phối hợp triển khai công tác bình ổn thị trường thóc, gạo trên địa bàn tỉnh này.
Sở Công Thương đã đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống kê sản lượng sản phẩm thóc gạo trên thị trường hiện nay (qua các doanh nghiệp kinh doanh, sơ chế) và dự báo tình hình sản lượng sản phẩm thóc, gạo trên địa bàn tỉnh sản xuất trong thời gian tới; đánh giá khả năng cung ứng cho thị trường nội tỉnh; trong trường hợp thị trường mặt hàng thóc, gạo có biến động bất thường, chủ động xây dựng giải pháp, phối hợp để tham mưu UBND tỉnh có biện pháp xử lý.
Đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống kê danh sách các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, sơ chế, kinh doanh sản phẩm thóc, gạo trên địa bàn tỉnh; đề nghị các cơ sở nêu trên chủ động xây dựng phương án và có cam kết dự trữ đảm bảo nguồn hàng lúa, gạo cung ứng cho thị trường tỉnh Thanh Hóa từ nay đến cuối năm 2023 và thười điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 với giá bình ổn.
UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo phòng kinh tế hạ tầng, phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn, UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn, theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường thóc, gạo, phối hợp và vận động các doanh nghiệp, các cơ sở sơ chế, chế biến và kinh doanh thóc gạo trên địa bàn có phương án dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường từ nay đến cuối năm 2023 và thời điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 với giá bình ổn.
Ngoài ra, Sở Công Thương Thanh Hóa cũng đề nghị các doanh nghiệp có hệ thống phân phối, bán lẻ, các siêu thị, trung tâm thương mại tham gia kinh doanh mặt hàng thóc, gạo báo cáo về khả năng dự trữ mặt hàng gạo; chủ động xây dựng phương án bảo đảm nguồn cung mặt hàng từ nay đến cuối năm 2023 và thời điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 với giá bình ổn.
Các lực lượng quản lý thị trường Thanh Hóa đã tăng cường công tác quản lý địa bàn, triển khai các biện pháp nghiệp vụ để nắm bắt tình hình thị trường, diễn biến cung - cầu, giá bán của mặt hàng gạo để xây dựng phương án kiểm tra, giám sát và đề xuất các giải pháp góp phần nhằm ổn định thị trường...
Hoài Thu