Thành phố Thanh HóaThành phố Thanh Hóa (Ảnh: minh họa)

Theo thông tin từ Sở Xây dựng Thanh Hóa cung cấp, hiện nay trên địa bàn tỉnh này có 32 đô thị; trong đó, 1 đô thị loại I, 2 đô thị loại III, 1 đô thị loại IV, 28 đô thị loại V, tỷ lệ đô thị hóa đến hết năm 2020 đạt 35,2%. Hệ thống đô thị trên địa bàn đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Việc phát triển đô thị, quy hoạch xây dựng đô thị được phê duyệt làm cơ sở để các chương trình trọng tâm được triển khai thực hiện có kết quả. Công tác đối ngoại, xúc tiến đầu tư được tăng cường, huy động đa dạng các nguồn vốn ODA, vốn của các tổ chức phi chính phủ, vốn của các doanh nghiệp trong nước, nước ngoài và vốn trong nhân dân để đầu tư phát triển đô thị.

Tại Khu Kinh tế Nghi Sơn, với nhiều công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu đã được đầu tư xây dựng, nâng cấp, góp phần thu hút đầu tư vào khu kinh tế đạt khá; một số dự án quan trọng, có tác động lan tỏa lớn đang được triển khai thực hiện, như: Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhà máy Xi măng Nghi Sơn, Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1... Thực tế, việc phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị đòi hỏi nguồn lực lớn, các đô thị có cơ sở hạ tầng tốt cũng là các đô thị thu hút được nhiều vốn đầu tư trong và ngoài nước.

Trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế, tỉnh Thanh Hóa đã chú trọng phát triển hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và hiện đại cho các đô thị; nhất là các đô thị lớn như: Thành phố Thanh Hóa, Tthành phố Sầm Sơn, Thị xã Bỉm Sơn, Thị xã Nghi Sơn... Diện mạo đô thị dần được khởi sắc, hệ thống hạ tầng đô thị được cải thiện rõ rệt. Hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật và xã hội đô thị, như giao thông, cấp nước, thoát nước, chiếu sáng, cây xanh, thu gom và xử lý chất thải rắn, công trình phúc lợi công cộng của các đô thị được đầu tư xây dựng, cải tạo, tạo nên bộ khung cơ bản để các đô thị phát triển; 90% số các tuyến đường trục chính cấp đô thị từ loại III trở lên được đầu tư xây dựng hệ thống điện chiếu sáng; dịch vụ cung cấp thông tin liên lạc phát triển nhanh chóng.

Song song với đó, các khu vực nằm trong quy hoạch phát triển đô thị đã và đang được đầu tư hệ thống cấp nước theo hình thức xã hội hóa, cơ bản phù hợp với quy hoạch đô thị, cũng như quy hoạch cấp nước vùng của tỉnh. Tại các đô thị lớn (TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn, thị xã Bỉm Sơn), cơ bản khu vực nội thành, nội thị và các khu đô thị, khu dân cư mới đã được xây dựng hệ thống thoát nước.

Tại các thị trấn huyện lỵ đa số mới được đầu tư xây dựng mương nắp đan hai bên trục đường chính đi qua trung tâm đô thị, các khu dân cư mới và các cụm công nghiệp. Tại thị xã Nghi Sơn, thị trấn Bút Sơn (Hoằng Hóa), thị trấn Quán Lào (Yên Định), thị trấn Bến Sung (Như Thanh), thị trấn Nông Cống, thị trấn Tân Phong (Quảng Xương) đã được đầu tư các cơ sở xử lý chất thải sinh hoạt bằng công nghệ đốt, theo hình thức xã hội hóa. Tại các đô thị còn lại được đầu tư các bãi chôn lấp hợp vệ sinh bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Các khu xử lý chất thải rắn tổng hợp trên địa bàn tỉnh đầu tư bằng hình thức xã hội hóa, được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận đầu tư và đang trong quá trình đầu tư xây dựng.

Tuy nhiên, thực tế phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa những năm qua cho thấy, tỷ lệ phủ kín quy hoạch chi tiết tại các đô thị loại V còn thấp, không đồng đều giữa các đô thị và vùng, miền. Vì vậy, đã ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư, bố trí nguồn lực phát triển cũng như công tác quản lý xây dựng đô thị theo quy hoạch.

Mặt khác, tốc độ tăng trưởng và đô thị hóa cao tại các đô thị lớn dẫn đến việc mất cân đối khả năng đáp ứng của hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị. Nhiều địa phương vẫn còn lúng túng trong việc tìm nguồn lực đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nhất là hệ thống thoát nước, xử lý chất thải rắn, giao thông đô thị... Đối với các khu đô thị hiện có, hạ tầng tuy đã được cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang, nhưng thực tế vẫn bị quá tải, xuống cấp. Trang bị hạ tầng do nhiều ngành thực hiện nên chưa có sự đồng bộ, thống nhất cũng như có khó khăn trong quản lý, vận hành. Mặt khác, phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị đòi hỏi chi phí giải phóng mặt bằng, bồi thường, di dân, tái định cư lớn, dẫn đến một số dự án khó thực hiện và thực hiện chưa bảo đảm thời gian, tiến độ.

Thời gian tới, sở Xây dựng Thanh Hóa sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá khả năng cấp nước của các hệ thống cấp nước, nhà máy nước đang hoạt động để đầu tư mở rộng, nâng cấp. Thu hút xã hội hóa đầu tư xây dựng mới hệ thống cấp nước cho các đô thị chưa có công trình cấp nước tập trung. Đầu tư các dự án cấp nước thô để cung cấp nước cho một số đô thị và vùng phụ cận khu vực khó khăn về nguồn nước ngọt.

Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ dân số đô thị được sử dụng nước sạch qua hệ thống đạt 97%, tiêu chuẩn cấp nước trung bình tại các đô thị khoảng 120 lít/người/ngày đêm, cấp nước bao phủ đạt 90% đối với đô thị loại V, đạt 100% đối với đô thị loại IV trở lên; đến năm 2030, tỷ lệ dân số đô thị được sử dụng nước sạch qua hệ thống đạt 100%, tiêu chuẩn cấp nước trung bình tại các đô thị khoảng 120 lít/người/ngày đêm.

Đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực đầu tư, quản lý các công trình hạ tầng kỹ thuật; ban hành một số cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, quản lý, khai thác một số lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật gồm cấp nước, thoát nước, xử lý chất thải...

 Hoài Thu