Toàn cảnh hội nghị
Toàn cảnh hội nghị.

Theo báo cáo của Sở Công Thương Thanh Hoá, toàn tỉnh hiện đã quy hoạch, phát triển được 91 cụm công nghiệp, với tổng diện tích 3.382,66 ha. Trong đó, tính đến ngày 15/7 trên địa bàn tỉnh đã thành lập được 38 cụm công nghiệp, với tổng diện tích 1.398,54 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký là 9.875,4 tỷ đồng, lũy kế vốn đầu tư tính đến ngày 30/06/2022 là 1.666,2 tỷ đồng.

Trong số 38 cụm công nghiệp đã được thành lập, có 5 cụm công nghiệp cơ bản hoàn thành hạ tầng cụm công nghiệp theo giai đoạn, đủ điều kiện cho nhà đầu tư thứ cấp thuê lại đất; 5 cụm công nghiệp đang đầu tư hạ tầng kỹ thuật; 7 cụm công nghiệp đang hoàn thành các thủ tục đầu tư, đang GPMB để thuê đất với Nhà nước; 13 cụm công nghiệp đang hoàn thành thủ tục đầu tư, chờ chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa; 4 cụm công nghiệp chủ đầu tư chưa tích cực triển khai thực hiện dự án, một số dự án quá chậm tiến độ cần phải xem xét thu hồi dự án; 4 cụm công nghiệp mới thành lập.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận những khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư hạ tầng kỹ thuật tại các cụm công nghiệp, trong đó có một số nhóm vấn đề chung, như: Giá thuê đất cao ảnh hưởng tới thu hút nhà đầu tư thứ cấp, đề nghị sớm có thông báo điều chỉnh giá đất để làm cơ sở hoàn thiện thủ tục thuê đất. Kế hoạch sử dụng đất có muộn nên chưa hoàn chỉnh hồ sơ chấp thuận chuyển đổi đất lúa. Một số cụm công nghiệp xin bổ sung ngành nghề để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp...

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Mai Xuân Liêm đã giải đáp cụ thể từng kiến nghị của doanh nghiệp, chủ đầu tư tại hội nghị. Đồng thời tiếp thu, yêu cầu các sở, ngành, địa phương nghiên cứu tham mưu giải quyết.

Cụ thể, đối với vấn đề chuyển đổi đất lúa, yêu cầu trong vòng 10 ngày các địa phương rà soát kế hoạch chuyển đổi đất lúa đối các cụm công nghiệp đang hoàn chỉnh thủ tục đầu tư gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, báo cáo, sớm trình UBND tỉnh.

Yêu cầu trong thời gian 01 tháng sau hội nghị, Sở Công thương xây dựng kế hoạch, sớm tổ chức các buổi làm việc 3 bên, gồm: Sở Công thương, UBND cấp huyện, chủ đầu tư để làm rõ khó khăn, vướng mắc, làm rõ mốc tiến độ và tổ chức ký cam kết cũng như quy định rõ trách nhiệm của từng bên trong quá trình thực hiện đầu tư hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp trên địa bàn.

Đối với các cụm công nghiệp còn vướng mắc thủ tục đầu tư về giải phóng mặt bằng, điều chỉnh quy hoạch... yêu cầu UBND các địa phương tập trung, phối hợp với chủ đầu tư tích cực hoàn thành, báo cáo UBND tỉnh những vấn đề vượt thẩm quyền.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá cũng đề nghị chủ đầu các cụm công nghiệp cần tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các địa phương trong toàn bộ quá trình triển khai thực hiện đầu tư hạ tầng kỹ thuật dự án được giao, rút ngắn tối đa thời gian, sớm đưa các cụm công nghiệp đi vào hoạt động.

Lê Nam