Biến đổi khí hậu, gây ra các tác động tiêu cực trên diện rộng đến các vấn đề nông nghiệp, bao gồm duy trì chất lượng đất trồng, kiểm soát bệnh thực vật, duy trì hiệu quả năng suất cây trồng và quản lý sâu bệnh, dịch hại.
Theo ghi nhận trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, thời gian qua nhiều cây trồng mặc dù đang vào vụ thu hoạch nhưng năng suất giảm mạnh so với mọi năm do ảnh hưởng bất lợi từ thời tiết, trong đó có nguyên nhân chính là do biến đổi khí hậu. Ngành trồng trọt đang đối mặt với rất nhiều khó khăn vì sản xuất đạt lợi nhuận thấp, thậm chí thua lỗ vì. Đây cũng là nguyên nhân góp phần làm cho giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng cao, ảnh hưởng mạnh đến sản xuất.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thanh Hóa cho biết, để thích ứng với biến đổi khí hậu, ngành nông nghiệp tỉnh đã đẩy mạnh nghiên cứu các giống cây trồng ngắn ngày, giống cây xen canh, luân canh, thích nghi tốt với khí hậu, thổ nhưỡng của khu vực, đồng bộ cùng với các giải pháp về sử dụng nước tưới, phân bón, quản lý dịch hại.
Năm 2023, tỉnh Thanh Hóa đề ra kế hoạch chuyển đổi 1.908,1 ha đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây hàng năm và 560,4 ha trồng cây lâu năm. Trong đó, chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa và giảm quy mô diện tích một số cây trồng hiệu quả kinh tế không cao.
Bên cạnh đó, căn cứ trên cơ sở khảo sát đánh giá lại chất lượng đất nông nghiệp, tỉnh sẽ tiếp tục rà soát điều chỉnh kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu tại địa phương.
Vụ mùa năm 2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa dự báo có hơn 18.095 ha cây trồng có khả năng thiếu nước, ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng. Do đó, ngành đã yêu cầu các địa phương triển khai kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Trong đó, việc chuyển đổi được thực hiện một cách bài bản, khoa học, tuân thủ quy hoạch, không mang tính tự phát. Ngành nông nghiệp sẽ là cầu nối để tiêu thụ các loại cây trồng sau khi chuyển đổi, tạo liên kết bền vững, gắn sản xuất với tiêu thụ.
Bên cạnh đó, từ chuyển đổi cây trồng, ngành nông nghiệp và các địa phương sẽ cân đối, lồng ghép nguồn kinh phí hỗ trợ từ các chương trình, dự án để khuyến khích người dân hình thành các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, những mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả hay những vùng nguyên liệu đạt các tiêu chuẩn xuất khẩu, làm cơ sở kêu gọi đầu tư vào sơ chế, chế biến...
Hoài Thu