Phát triển du lịch cộng đồng tại Pù Luông, huyện Bá ThướcTỉnh Thanh Hóa chú trọng phát triển du lịch cộng đồng tại Pù Luông, huyện Bá Thước. (Ảnh: Hoài Thu)

Đại dịch Covid-19 chính thức làm tê liệt ngành du lịch Việt Nam nói chung ngành du lịch Thanh Hóa nói riêng. Trước ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19, các lễ hội, sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch tạo Thanh Hóa đã bị hủy; nhiều cuộc họp, hội nghị trong chương trình du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, tổng kết, khen thưởng) tại các khách sạn lớn đã bị hoãn hoặc hủy bỏ để phòng tránh sự lây lan của dịch bệnh; các di tích, danh thắng tạm dừng đón khách du lịch trong một thời gian nhất định; lượng khách đăng ký đi du lịch, có kế hoạch du lịch đều giảm mạnh; công suất sử dụng buồng phòng của các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh chỉ đạt 26,7%; tình trạng khách hủy tour, hủy dịch vụ đã đặt tại các công ty lữ hành trong tỉnh lên đến 95%.

Theo thống kê, lượng du khách so với cùng kỳ giảm mạnh cũng đã ảnh hưởng không nhỏ tới doanh thu từ các hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 8.623,1 tỷ đồng, giảm 27,8% so với cùng kỳ, đạt 42% kế hoạch năm 2020.

Trong 9 tháng năm 2020, lượng khách du lịch quốc tế giảm mạnh. Lượng du khách quốc tế đến với các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa ước đạt gần 25.000 lượt khách, giảm trên 87% so với cùng kỳ. Doanh thu từ khách du lịch quốc tế ước đạt 5.702.400 USD, đạt 4,4% kế hoạch.

Trước tình thế khó khăn của ngành du lịch, đặc biệt là với các doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa đã đề xuất một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. đồng thời tiếp tục thực hiện kích cầu du lịch nội địa trong tình hình mới, nhất là khi tình hình dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát. 

Hiện các doanh nghiệp lữ hãnh tại Thanh Hóa đã chuẩn bị nhiều giải pháp để sẵn sàng đưa du lịch trở lại, như dồn lực đào tạo lại nguồn nhân lực trong thời gian dịch bệnh nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, nghiên cứu xây dựng sản phẩm mới, nhất là các gói sản phẩm kích cầu du lịch nội địa ngay khi công bố hết dịch. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, kích cầu du lịch nội địa là ưu tiên hàng đầu đối với các ngành khi cả nước công bố hết dịch.

Các doanh nghiệp cũng coi đây là mùa thấp điểm sớm trong năm nay để cơ cấu lại hoạt động, sắp xếp lại lao động, cắt giảm tối đa các chi phí và chuẩn bị kịch bản sẵn sàng đón đầu khi thị trường nội địa và quốc tế khôi phục. Doanh nghiệp nào trụ được thì sẽ phát triển rất nhanh, mạnh sau đại dịch.

Hoài Thu